Cứu doanh nghiệp bằng cách nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cùng với các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hai tháng vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ trần lãi suất huy động để từ đó lãi suất cho vay ra của các ngân hàng giảm dần, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp hơn. Đây được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng làm thế nào để doanh nghiệp có thể vay được vốn phục vụ sản xuất khi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ trước tới nay luôn ở trong tình trạng sư nói sư phải, vãi nói vãi hay? Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm, trước hết doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về khả năng, tiềm lực của mình, thừa nhận những yếu kém, tồn tại và có biện pháp khắc phục thì ngân hàng mới có cơ sở cho vay vốn. Quan trọng hơn, về phía ngân hàng, phải đặt lợi ích của mình trong lợi ích của doanh nghiệp. Ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp, nếu cho vay lãi cao doanh nghiệp phá sản, mà doanh nghiệp chết, thì ngân hàng cũng chết. Thứ hai, gọi là điều kiện thỏa thuận nhưng doanh nghiệp có được thỏa thuận đâu, chỉ có ngân hàng áp đặt điều kiện, vay thì vay không thì thôi… Thứ ba, ngân hàng phải minh bạch, tiết giảm các chi phí, như hiện nay lãi suất huy động 12-13% mà cho vay ra 18-19% là quá cao. Chênh lệch 4-5% ấy nếu ngân hàng không minh bạch thì họ sẽ có đủ lý do để nói là doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện thì biết đâu mà lần?

Ngoài vấn đề lãi suất và cơ chế cho vay, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, cần hướng dòng tín dụng chảy vào các khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn để tạo ra hàng hóa, giải quyết việc làm. Song song đó là thực hiện các biện pháp tăng cầu vì hiện nay cầu quá yếu. Cần triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tốt hơn, nhất là khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do, các bạn hàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Hoặc kích cầu đối với một số phân khúc bất động sản đóng băng như nhà ở cho người thu nhập thấp…

Trên thực tế, giãn, hoãn hoặc giảm thuế để khoan sức là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp. Nhưng giảm thuế cũng chỉ là biện pháp tình thế. Về phía chủ quan của doanh nghiệp, hàng loạt biện pháp như tiết giảm chi phí, cơ cấu lại ngành hàng sản phẩm, thị trường đều đã được tính đến. Giám đốc Công ty cổ phần cao su Hà Nội Phạm Hồng Việt cho biết, ngay từ giữa năm 2011, công ty đã tính toán, đặt ra 3 mục tiêu cơ bản: thứ nhất là cơ cấu lại thị trường, sản phẩm; tăng lượng sản phẩm có ưu thế và có khả năng phát triển. Thứ hai, công ty cơ cấu lại tổ chức, tiết giảm chi phí, giảm số phân xưởng và bộ phận phòng, ban, làm sao bộ máy quản trị của công ty gọn nhẹ và có hiệu quả. Thứ 3 là xem lại về công nghệ, chất lượng, làm thế nào gia tăng được năng suất lao động.

Cho đến nay năng suất lao động đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn là bài toán khó, nếu không giải quyết được thì không thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cùng với đó là sự chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu để hạn chế sự phụ thuộc cũng như biến động tăng giá. Trước mắt, các doanh nghiệp hy vọng lạm phát được kiềm chế, giả cả đầu vào ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong quý II và đến cuối năm 2012.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân