Đã đến lúc phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp cố tình trốn tránh đóng BHXH

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2010, thu BHXH bắt buộc đã tăng 6% so với 2009; thu BHXH tự nguyện tăng 49,8% so với 2009; thu bảo hiểm thất nghiệp tăng 17,7% so với 2009. Số nợ chậm đóng BHXH tính đến cuối 2010 là 1.725,4 tỷ đồng, bằng 3,36% số phải thu BHXH trong năm và tương ứng với số thu của 0,28 tháng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc trích tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định; việc xác định tiêu chí để khởi kiện ra tòa về nợ BHXH chưa thống nhất, còn thiếu kinh nghiệm; nhiều trường hợp phát hiện nhưng chưa xử lý kịp thời, việc chấp hành quyết định xử phạt chưa nghiêm đã tạo điều kiện để một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh đóng BHXH.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa tổ chức gần đây cũng đã nêu ra một số vấn đề bất cập sau khi thực hiện Luật BHXH như chưa nắm được số lượng người phải tham gia BHXH bắt buộc; chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn thấp, chưa đủ mức răn đe, một số quy định của pháp luật còn bất cập, hạn chế… Kết quả giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn ra thường xuyên, kể cả khu vực hành chính sự nghiệp. Tính đến hết năm 2010, có 126.543 đơn vị, chiếm 64,9% số đơn vị tham gia BHXH nợ 1.713 tỷ đồng, bằng 3,3% số tiền phải thu. Theo đánh giá của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi, hiện nay công tác thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước và công tác kiểm tra của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu do bộ máy của cơ quan thanh tra về lao động quá thiếu, cơ quan BHXH thì không có quyền xử lý vi phạm, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan nhà lý nhà nước về lao động cũng chưa thật sự chặt chẽ tại một số địa phương. Với số nợ không lớn, nhưng số đơn vị nợ lại quá lớn đã gây khó khăn, phức tạp, tốn kém cho công tác quản lý BHXH, đặc biệt là việc đòi nợ.

Quỹ hưu trí và tử tuất đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối

Tính đến cuối 2010, các quỹ BHXH kết dư gần 135.500 tỷ đồng, trong đó Quỹ BHXH bắt buộc kết dư 127.294,8 tỷ đồng, trong đó Quỹ ốm đau, thai sản là 7.620 tỷ đồng; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 7.415 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 112.259,8 tỷ đồng. Qua số liệu thống kê, tỷ lệ thu – chi các quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều theo chiều hướng kết dư tăng. Riêng Quỹ hưu trí và tử tuất mặc dù số thu 2010 tăng 35,8% trong khi số chi chỉ tăng 29,3%, nhưng nguyên nhân là do tỷ lệ đóng BHXH năm 2010 tăng thêm 2%, còn so sánh thực tế số chi vẫn chiếm tỷ trọng 77,6%. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nếu năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, thì năm 2000 giảm xuống còn 34 người; năm 2004 còn 19 người; năm 2007 còn 14 người, năm 2009 còn 11 người và đến 2010 chỉ còn 10,7 người. Như vậy, hiện Quỹ hưu trí và tử tuất đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Đây là vấn đề rất lớn trong điều kiện hội nhập, khủng hoảng kinh tế và già hóa dân số và nhiều quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề này. Và theo dự báo của Chính phủ, tới năm 2023 số thu sẽ bằng số chi; từ 2024 trở đi để bảo đảm chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của quỹ. Đến năm 2037, nếu Nhà nước không có chính sách tăng thu hoặc giảm chi thì ngay cả phần tồn tích Quỹ BHXH cũng cạn, không bảo đảm khả năng thực hiện chính sách hưu trí, tử tuất.

Trong thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực hơn trong việc thúc đẩy xác định đối tượng và mức đóng BHXH, tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước chưa có phương thức phối hợp có hiệu quả, dường như coi đây là công việc của ngành BHXH. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, những bất cập mang tính hệ thống của các quy định pháp luật về BHXH như tổ chức bộ máy, quy định để lại 2% phần thu quỹ ốm đau, thai sản… đã được hầu hết các địa phương, bộ, ngành phản ánh. Qua khảo sát cho thấy, đây đang là vấn đề được Bảo hiểm xã hội Việt Nam quan tâm, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, song nhiều vấn đề thuộc quy định của Luật, do đó cần có sự nghiên cứu, xem xét của Chính phủ và QH.

Đã đến lúc cần phải sửa Luật BHXH. Theo đó, Luật phải đi theo đồng bộ với một số chính sách dần phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH…Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã kiến nghị Chính phủ cần tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHXH và kiến nghị, đề xuất QH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; sớm rà soát và ban hành các văn bản còn thiếu theo quy định của Luật.

Vi Hoa
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân