Đà Nẵng: Chính thức xuất hiện DN “phá sản”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

3 công ty chính thức công bố tạm ngừng hoạt động là: Công ty Wei Xern Sin Đà Nẵng (100% vốn đầu tư của Đài Loan) đã chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 101 lao động, Công ty TNHH Kim Quốc Bảo (100% vốn đầu tư của Đài Loan) chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 1.233 lao động, Công ty TNHH Việt Nam Knitwear (100% vốn đầu tư của Trung Quốc) chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 893 lao động; Công ty TNHH TKR Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện điện tử (100% vốn đầu tư Nhật Bản) cũng chấm dứt hợp đồng lao động với 72 lao động. Không chỉ vậy, có 6 doanh nghiệp thông báo thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể. Trong đó, có 2 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất gồm: Chi nhánh Công ty TNHH T.T.T.I tại Đà Nẵng (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) cho 156 lao động nghỉ chờ việc, hưởng 70% lương; còn Công ty Khoáng sản Transcend VN (100% vốn đầu tư của Đài Loan) thì chấm dứt luôn hợp đồng đối với 48 lao động.

Theo ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 62 doanh nghiệp vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực giày da, may mặc, linh kiện điện tử… cùng hơn 33.000 công nhân đang làm việc tại đây. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, không thể nói trước được chuyện gì. Và trong thời gian tới, sẽ không tránh khỏi việc có thêm doanh nghiệp tuyên bố thu hẹp sản xuất hay giải thể cùng khoảng 2.500 công nhân nữa sẽ bị ảnh hưởng việc làm.  

Chính quyền vào cuộc

Trước tình hình đó, UBND Tp.Đà Nẵng chỉ đạo triển khai quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn của ngân hàng thương mại, và có tới 50 NH và chi nhánh NH đã tỏ ra rất đồng tình cùng liên kết với VDB để cho DN vay vốn. Hiện Đà Nẵng có tới trên 10.000 DN, trong đó có tới gần 10.000 DNNVV, và thực trạng DNNVV đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Vốn điều lệ bình quân của các DNNVV tại Đà Nẵng là 2 tỉ đồng, trong đó phải đầu tư cho vốn cố định, như đầu tư nhà xưởng, thiết bị, dây truyền sản xuất mất đến ¾ số vốn, vốn lưu động còn rất ít nên khi gặp phải biến động kinh tế, biến động thị trường ngay lập tức DN bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc bảo lãnh vay vốn ưu đãi là vấn đề thiết thực mà các DN đang cần để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND TP Đà Nẵng trích thêm 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2009 để tiếp tục hỗ trợ DN tiếp nhận người lao động vào kèm nghề và bố trí việc làm. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ người lao động mất việc trong thời gian đầu để ổn định cuộc sống và bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kể trên ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng mất việc làm do suy thoái kinh tế vay vốn tự tạo việc làm (dự kiến mỗi lao động vay 10 triệu đồng). Sở LĐ-TB&XH đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng tăng thêm nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho người dân theo QĐ 65 của thành phố lên từ 2-3 tỷ đồng, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng là công nhân mất việc. Theo đó, các công nhân này sẽ được đào tạo nghề miễn phí và hỗ trợ vay vốn tạo nghề mới với mức bình quân 10-20 triệu đồng/người. Tâm Vũ Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp