Đại biểu của dân không thể "dễ tính" 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nhìn lại gần 5 năm làm đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp PHẠM VĂN HÒA chia sẻ, cũng có khi phản biện, tranh luận quyết liệt trên nghị trường khiến ông cảm thấy “nao nao” nhưng với trách nhiệm mà cử tri đã giao phó, đại biểu Quốc hội không nên và không thể “dễ tính”. Đại biểu Quốc hội phải đặt lợi ích của cử tri, của Nhân dân lên đầu.

Thẳng thắn, công tâm

– Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV để lại những ấn tượng như thế nào với ông?

– Nhiệm kỳ 2016 – 2021 là lần đầu tiên tôi tham gia Quốc hội và hoạt động với vai trò một đại biểu chuyên trách ở địa phương nên toàn bộ thời gian, tâm huyết đều dành cho hoạt động Quốc hội. Theo cảm nhận của tôi, trong gần 5 năm qua, các đại biểu Quốc hội đều đã hoạt động rất nghiêm túc, chất lượng. Nhiều đại biểu có phát biểu ấn tượng trên nghị trường với sự thẳng thắn, công tâm, vì lợi ích của cử tri, của Nhân dân. Điều đó chứng tỏ các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ tài liệu, các dự thảo luật, đăng ký tham gia phát biểu trong thời gian có hạn, nhưng nội dung phát biểu rất sâu sắc.

<img alt="" src="” width=”850px” />
 

Tôi đặc biệt ấn tượng với cách thức điều hành của Đoàn Chủ tịch, vừa trí tuệ, linh hoạt vừa dân chủ, uyển chuyển, điều chỉnh kịp thời, tạo không gian cởi mở để các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận… 

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV cũng là nhiệm kỳ của đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin. Toàn bộ thông tin kỳ họp chỉ gói gọn trong một chiếc iPad đã giúp các đại biểu Quốc hội tra cứu, liên thông giữa các nội dung thông tin, từ đó nâng cao chất lượng của kỳ họp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lần đầu tiên, Quốc hội đã tổ chức các phiên họp trực tuyến trong thời gian dài, kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước, bảo đảm hoạt động của Quốc hội không bị gián đoạn.

– Trong ấn tượng của cử tri thì đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng là một trong những đại biểu luôn phát biểu thẳng thắn, không ngại va chạm, sẵn sàng phản biện và tranh luận quyết liệt để bảo vệ lợi ích chung. Những lúc phản biện, tranh luận như vậy, ông có cảm xúc như thế nào? 

– Lần gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ Mười, tôi đã tranh luận về 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tôi xuất thân từ sĩ quan công an mà lại phản biện, tranh luận quyết liệt về 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nói thực cũng cảm thấy “nao nao”. Nhưng trách nhiệm của người đại biểu là phải mang tâm tư, tình cảm, tiếng nói của người dân đến với nghị trường, phải lên tiếng để bảo đảm các chính sách pháp luật được Quốc hội thông qua thực sự vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. 

Với các dự án luật khác, nếu có vấn đề chưa thỏa đáng tôi cũng vẫn lên tiếng như vậy. Bởi Quốc hội ban hành luật để đem lại sự thuận lợi, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội nên từng đại biểu Quốc hội không nên và không thể “dễ tính”. Đại biểu Quốc hội phải đặt lợi ích của cử tri, của Nhân dân lên đầu. Với cá nhân tôi, mọi phát biểu, phản biện đều trên cơ sở tiếng nói, mong muốn, yêu cầu của đa số người dân.

Phản biện không phải vì “quyền anh”, “quyền tôi”

– Thẳng thắn, quyết liệt thường cũng dễ đụng chạm. “Nói” trên diễn đàn của Quốc hội theo ông có khó không?

– Phát biểu cho đẹp lòng nhau thì dễ. Còn phản biện đương nhiên sẽ dễ đụng chạm và có thể làm mất lòng người bị phản biện. Nhưng là đại biểu Quốc hội, mình phải phát biểu với trách nhiệm và tâm huyết của người đại biểu của dân. Không nên vì sợ, vì ngại va chạm mà không dám nói. Bất cứ dự thảo luật hay vấn đề quan trọng nào được Quốc hội đưa ra thảo luận, chất vấn, nếu không có người phản biện, tranh luận quyết liệt thì chưa chắc nội dung, vấn đề đó đã hoàn thiện. Có nhiều tiếng nói phản biện, tranh luận thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội càng nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đa chiều hơn để hoàn chỉnh tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội phát biểu hay phản biện đều là muốn đóng góp vì lợi ích chung, chứ không phải tư lợi, không có chuyện quyền anh, quyền tôi gì cả. Tất nhiên, khi phản biện hay tranh luận, đại biểu phải trung thực, khách quan, công tâm, phải nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình thì phản biện, tranh luận mới có trọng lượng. 

Tôi cũng rất mừng là trong nhiệm kỳ này, khi đại biểu phản biện, tranh luận trên nghị trường thì cơ quan soạn thảo, các thành viên Chính phủ đều lắng nghe, cầu thị và sẵn sàng giải trình minh bạch các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. 

– Là nhiệm kỳ đầu tiên tham gia Quốc hội, nhìn lại lời hứa của mình với cử tri lúc ứng cử, ông thấy như thế nào? 

– Kiểm điểm lại lời hứa với cử tri trong Chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, tôi tự nhận thấy, trên cương vị là đại biểu của dân tại Quốc hội, tôi đã luôn trung thực, thẳng thắn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, thường xuyên tiếp xúc, giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri và Nhân dân, mang được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân đến nghị trường, truyền đạt những ý kiến, kiến nghị của người dân đến các cơ quan hữu quan để giải quyết kịp thời, đúng lúc… 

Nhưng tôi cũng có điều còn tiếc nuối. Đó là nhiều kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi đến cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm. Thời gian tiếp xúc cử tri ở cơ quan, đơn vị bầu cử, tiếp xúc cử tri trước và trong kỳ họp, dù đã thực hiện tốt nhưng tôi vẫn mong muốn có thể lắng nghe được nhiều hơn nữa những tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của cử tri, của người dân để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình. Dù chưa thật hoàn hảo, nhưng tôi cũng rất mong cử tri, người dân hiểu và cảm thông cho những thiếu sót của tôi. 

– Xin cảm ơn ông!