Đại đoàn kết toàn dân tộc – sức mạnh vô song 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ts. Bùi Ngọc Thanh Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 16.8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là chủ đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư nói, “Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam”.

Đại đoàn kết toàn dân tộc theo chỉ đạo của Tổng Bí thư bao hàm nhiều nội dung, ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc, song trước hết thể hiện ở ba nội dung cơ bản.

<img alt="Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ngày 15.11.2017 Ảnh: Trí Dũng" src="” width=”850px” />
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ngày 15.11.2017
Ảnh: Trí Dũng

Đại đoàn kết toàn dân tộc – đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta

Ngay từ năm 1925 khi viết cuốn Đường Kách mệnh (xuất bản lần đầu tiên ở nước ngoài vào năm 1927), Bác đã chỉ rõ, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền[1]. Như vậy, từ khi chưa thành lập Đảng, Bác đã tâm niệm, nung nấu vấn đề tập hợp lực lượng, đoàn kết các tầng lớp nhân dân – một bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cách mạng. Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bác đã giải thích rất đơn giản nhưng cực kỳ rõ ràng: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO”. Tới khi Đảng ta nắm chính quyền, tiếp tục lãnh đạo cách mạng, ở bất kỳ giai đoạn nào Bác cũng đề cao, nhấn mạnh yêu cầu tập hợp lực lượng, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước.  

Trong tất cả các tình huống cấp bách, kể cả khi “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn tập hợp và đoàn kết mọi lực lượng thành một khối vững bền mà Đảng và Bác kính yêu đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trước lúc “đi xa”, trong Di chúc, Người thiết tha dặn lại: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Với ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta”.

Mọi thắng lợi đều gắn chặt với đại đoàn kết toàn dân tộc

Chúng ta có thể điểm lại một vài sự kiện tiêu biểu. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, Bác đã ra lời kêu gọi đoàn kết và toàn quốc kháng chiến. Sau lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta muôn người như một đã bền bỉ, hăng hái tham gia kháng chiến, thực hiện đúng phương châm chiến lược, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Và “một trong những nội dung cơ bản của đường lối và nghệ thuật tổ chức của cuộc kháng chiến chống Mỹ là: Xây dựng khối đoàn kết toàn dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ba mươi mốt triệu đồng bào cả nước là ba mươi mốt triệu chiến sĩ diệt Mỹ”. Nghĩa là tập hợp tất cả mọi tầng lớp người Việt Nam trong một mặt trận dân tộc thống nhất nhằm chống đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội [2]. Kết quả như một tất yếu lịch sử, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, nước nhà thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, như Tổng Bí thư đã nhấn đậm với Hội nghị: “Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có vai trò ngày càng quan trọng, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội…” cho nên đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[3].

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước tình hình, nhiệm vụ mới

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cả nước chỉ có 31 triệu dân, chúng ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, nay phải nhân lên sức vóc cả trăm triệu người của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tiếp tục tạo nên sức mạnh thần kỳ, thực hiện cho được các mục tiêu lý tưởng; mục tiêu trung, dài hạn và mục tiêu trước mắt.

Mục tiêu lý tưởng, đó là, chúng ta quyết tâm xây dựng một xã hội mà trong đósự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công,“cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[4]. Đó mới chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng chính là mục tiêu, là con đường mà chúng ta lựa chọn.

Mục tiêu trung và dài hạn, đó là nhiệm vụ chính trị của đất nước ở mỗi nhiệm kỳ. Như nhiệm kỳ này: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao[5]. Trong mỗi nhiệm kỳ, chúng ta vừa phải phấn đấu để đạt và vượt các chỉ tiêu cụ thể, vừa phải phấn đấu để từng bước phục vụ mục tiêu lý tưởng.

Mục tiêu trước mắt, ngay bây giờ, chính là thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phải phòng, chống đại dịch Covid-19 thành công, vừa phải thúc đẩy phát triển sản xuất thắng lợi, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đã xác định cho năm nay. Phải đẩy lùi, dập tắt bằng được đại dịch thì mới vực dậy và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Cả nước đã và đang nỗ lực tích cực thực hiện Lời kêu gọi ngày 29.7.2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bây giờ càng phải nỗ lực tích cực hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; đã cố gắng càng phải cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng phải quyết tâm cao hơn nữa; toàn quốc muôn người như một, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành nhất quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được đại dịch; ổn định và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2021.           

Chỉ có thực hiện đúng đắn chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc ở cấp độ cao, nhân lên sức mạnh to lớn, vô song, dưới sự lãnh đạo tài trí, kiên cường của Đảng mới bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng.

________________

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2 (1924 – 1930), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 280.

[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học; Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, trang 199 – 200.

[3] Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản số 966 (5-2021).

[4] Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản số 966 (5-2021).

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, Tập I, trang 112.