Đảm bảo an toàn hệ thống tài chính còn quan trọng hơn tăng trưởng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Thiên nói: Năm 2007, việc gia nhập WTO mang lại những cơ hội, và khi cơ hội vào  thì nó cho thấy mình có năng lực như thế nào để tận dụng cơ hội ấy. Chẳng hạn, chúng ta nhận được rất nhiều cam kết đầu tư nước ngoài nhưng khả năng cải thiện các điểm thắt nút tăng trưởng của chúng ta rất chậm.

Điều này đã bộc lộ điểm yếu về khả năng hấp thụ vốn, năng lực cải cách hành chính dù được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng làm vẫn chưa được nhiều.

Theo ông, sự chuẩn bị  gia nhập WTO của Việt Nam đã đầy đủ và xứng tầm chưa?

Theo tôi là sự chuẩn bị đó chưa đầy đủ và xứng tầm. Khi gia nhập WTO, chúng ta phải đối mặt với nhiều bất cập phải giải quyết. Thứ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường sắt, đường bộ, bến cảng, sân bay, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp đều không đáp ứng được tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Xa hơn nữa là sự thiếu hụt về cung cấp năng lượng. Năng lực doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam tuy có phát triển nhưng vẫn còn yếu. Và đặc biệt năm 2007, cải cách doanh nghiệp nhà nước diễn ra rất chậm.

Khu vực tư nhân đang manh mún, chưa liên kết được với khu vực đầu tư nước ngoài nên khả năng tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế, đang kém dù đã có “kênh dẫn, lối thông” là WTO.

Nhưng điều đáng nói là khi cơ hội bùng nổ cả doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước lại tăng cường tận dụng những cơ hội có sự thiên lệch rất đáng cảnh báo.

Họ bị hút vào quỹ đạo đầu tư tài chính, tham gia thị trường chứng khoán và kinh doanh đất đai, bất động sản. Tức là rơi vào trận địa mà ở đó lợi ích là ngắn hạn, mang tính cơ hội hơn là chuẩn bị cho một tầm nhìn dài hạn.

Trong khi đó đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam là để đầu tư chiến lược làm ăn lâu dài. Doanh nghiệp Việt Nam đã yếu, lại đầu tư thiên lệch mà không có sự điều chính tốt thì tương lai sẽ rất gay go.

Vấn đề bất cập thứ ba là năng lực quản trị của Nhà nước. Cải cách hành chính diễn ra chậm, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng chưa đáng kể. Điều hành vĩ mô thể hiện qua cách chống lạm phát của chúng ta như Thủ tướng thừa nhận là còn lúng túng, thiếu bài bản và nhiều vấn đề thể hiện năng lực thấp. Mặt khác nguồn nhận lực của mình vừa thiếu vừa yếu.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2008?

Có lẽ cái đà đi lên của kinh tế Việt Nam vẫn còn tốt, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9% trong năm 2008 không có gì là quá mức. Ngay cả những chuyên gia kinh tế nước ngoài vốn thận trọng nhưng cũng cho rằng mục tiêu đó là khả thi.

Quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra những động lực mới cho Việt Nam và hai động lực mạnh nhất là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, được dự báo là tốt.

Và những bài học của năm 2007 sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn trong năm 2008, trong các lĩnh vực cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư cho những nút thắt phát triển tốt hơn, điều hành vĩ mô tốt hơn. Những mặt khác, chúng ta đang phải đối diện với những thách thức lớn, mà thách thức lớn nhất là những tác động từ bên ngoài.

Có một số rủi ro phải dự tính, mà rủi ro quan trọng nhất là mất ổn định vĩ mô. Khả năng lạm phát cao vẫn rất tiềm tàng. Năm 2008, Nhiệm vụ đảm bảo an toàn hệ thống tài chính vĩ mô đặt ra còn quan trọng hơn nhiệm vụ tăng trưởng.

Bây giờ khó đưa ra một dự báo chính xác về lạm phát, nhưng khó có một mức lạm phát thấp. Giá dầu khó hạ thấp, có thể loanh quanh ngưỡng 100 USD/thùng, rất đáng lo ngại.

Giá lương thực, thực phẩm sẽ cao, sẽ được lợi cho nông dân nhưng mặc khác làm cho mức giá trong nước tăng. Còn dịch bệnh, thiên tai rất khó lường. Yếu tố tác động của năm 2007 vẫn còn, dòng tiền vẫn sẽ vào nhiều.

Quan trọng là phải điều tiết được nguồn vốn này. Chính phủ cẩn phải có cách điều hành thận trọng là linh hoạt hơn, có thể mục tiêu chống lạm phát phải ưu tiên hơn.

Năm 2007, một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã chạy theo quỹ đạo đầu tư tài chính, lập ngân hàng, kinh doanh đất đai, bất động sản. Sự thiên lệch này cần phải được điều chính như thế nào trong năm nay, thưa ông?

Khi vấn đề đã được phát hiện thì phải nghĩ cách điều chỉnh. Hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng, rủi ro chưa phải là việc lập ngân hàng để tài trợ cho những dự án của họ mà rủi ro ở chỗ lập ngân hàng xong để bán cổ phiếu. Như thế có nghĩa là chuyển sở hữu ngân hàng sang các cổ động.

Mà sự phân tán sở hữu đó ngày càng rộng thì tính chịu trách nhiệm sẽ ít đi. Một khi những ngân hàng này gặp rủi ro thì đó là rủi ro của cả nền kinh tế. Thực ra việc các doanh nghiệp lao vào đầu tư tài chính, bất động sản, về mặt kinh doanh là bình thường nhưng đứng trên phương diện lợi ích quốc gia thì phải điều chỉnh.

Quá trình điều chỉnh này cũng không thể trong ngày một ngày hai.  Về mặt dài hạn, Nhà nước phải có những định hướng doanh nghiệp làm cho việc nhận diện lợi ích mang tính dài hạn hơn. Về ngắn hạn, phải có những biện pháp quyết liệt, ví dụ như các biện pháp chống đầu cơ đất đai, bất động sản…

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: Báo Tiền phong