“Danh sách vụ trưởng có gì mà đóng dấu mật?”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành, danh sách này thì có gì mật?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lên tiếng tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, sáng 22/11 của Quốc hội.

Đây cũng không phải lần thứ nhất bà Nga đề cập tình trạng lạm dụng dấu mật.

Vị đại biểu Quốc hội này phản ánh, có những bộ đóng dấu mật cả vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, dù không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật, làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn được.

Một tình trạng nữa được bà Nga nêu là nhiều cơ quan, bộ, ngành lạm dụng dấu mật để không công khai thông tin, ảnh hưởng đến việc phòng, chống tham nhũng và đẩy người dân vào tình trạng dễ bị quy chụp.

Quy định về mật không rõ ràng, theo đại biểu Nga, còn đẩy một số cá nhân vào vòng lao lý khi bị quy là làm lộ tài liệu mật.

Dẫn quy định tại điều 8, đại biểu Nga phân tích: ở đây phân biệt độ mật theo hai căn cứ, thứ nhất là theo căn cứ vào lĩnh vực, thứ hai là căn cứ vào mức độ nguy hại.

Tuyệt mật – mức nguy hại đặc biệt nghiêm trọng – có 5 lĩnh vực, đó là an ninh, chính trị, quốc phòng, đối ngoại, cơ yếu.

Tối mật – mức nguy hại rất nghiêm trọng- có 16 lĩnh vực, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường…

Cộng cả tuyệt mật và tối mật cộng vào thì thành 21 lĩnh vực và mức độ nguy hại là nghiêm trọng.

Quy định như thế này, theo đại biểu Nga, là có thể dễ tùy tiện khi áp dụng và đặc biệt là các lĩnh vực này quá rộng. Ví dụ lĩnh vực giáo dục thì cái gì là mật và cái gì là không mật và mức nguy hại này cũng phải cân nhắc, bà Nga góp ý.

Mặt khác, khi lưu ý về quy định người nắm giữ bí mật Nhà nước, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng nêu thực tế hiện nay là rất nhiều đại biểu Quốc hội được cung cấp các tài liệu mật, thậm chí tài liệu tuyệt mật, tối mật, tuy nhiên không có quy định nào về việc quản lý, sử dụng, bảo quản, thu hồi và khai thác như thế nào.

Ông Sinh đặt vấn đề, cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cá nhân, công dân, cơ quan, tổ chức khi tiếp cận các thông tin tài liệu chứa đựng bảo vệ bí mật Nhà nước. Ví dụ, vô tình tiếp cận bí mật Nhà nước như nhặt được tài liệu mật, tuyệt mật thì phải xử lý như thế nào, khai báo ở đâu, nộp ở đâu và những quy định về bảo vệ bí mật ra sao?.

Đại biểu Sinh cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung chặt chẽ quy định của pháp luật về an ninh mạng, an ninh thông tin và an toàn kết nối các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác, đặc biệt là những công việc nhạy cảm với thông tin bí mật nhà nước.

“Lãnh đạo thì sử dụng máy điện thoại như thế nào cũng cần được quy định chặt chẽ trong luật này”, ông Sinh nêu ví dụ.

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 19 dự thảo luật quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với độ tuyệt mật là 30 năm. Nhưng theo đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu), đối với thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước độ tuyệt mật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thì 30 năm là hơi ngắn.

Ông phân tích, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, những tài liệu, vật liệu mang độ tuyệt mật là những tài liệu, vật liệu có nội dung đặc biệt quan trọng, chỉ phổ biến cho những người có trách nhiệm, nếu bị lộ, lọt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu tăng thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.