“Đất vàng” vì đâu nên nỗi? 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, liên quan trong vụ giao khu “đất vàng” số 1 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, thuộc Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (cũ), để làm dự án BT (dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao hay nói cách khác là hình thức đổi đất lấy hạ tầng).

Khu “đất vàng” ở trung tâm TP Nha Trang của Trường Chính trị Khánh Hòa khi được giao cho doanh nghiệp để làm dự án BT đã gây bất bình trong dư luận. Bởi đây là đất cơ quan nhà nước (thuộc Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa), không phải là đất ở, đất thương mại dịch vụ. Khu “đất vàng” này chỉ được tỉnh định giá hơn 7,8 triệu đồng/m2 đất thương mại dịch vụ và 22,5 triệu đồng/m2 đất ở, trong khi giá thị trường cao hơn cả chục lần. Điều đáng nói, việc giao khu đất tại Trường Chính trị tỉnh đó cho doanh nghiệp làm dự án Nha Trang Center 2 và khách sạn, nhà ở chung cư không thực hiện đấu giá, đấu thầu theo đúng quy định pháp luật. Điều này gây thiệt hại lớn tài sản cho Nhà nước.

Phải khẳng định rằng, thực hiện dự án BT là một chủ trương đúng đắn khi muốn huy động tốt được nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, không đủ nguồn đáp ứng phát triển hạ tầng. Nhưng quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập. Bởi đa số dự án BT trước đây đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu mà không qua đấu thầu rộng rãi. Chính cơ chế chỉ định thầu cùng với việc buông lỏng quản lý đất đai đã gây thất thoát tài sản nhà nước lớn.

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV đã chỉ rõ, nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT, như: Chỉ có 1/12 dự án trong giai đoạn 2013 – 2017 thực hiện đấu thầu, còn lại 11/12 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai…

Diễn đàn Quốc hội đã từng nóng bởi tình trạng lợi dụng thực hiện dự án BT để biến đất công thành đất của doanh nghiệp, biến đất công thành đất tư. Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) từng thẳng thắn: dân bất bình, thậm chí phẫn nộ khi nguồn lực lớn của đất nước từ đất đai, đất vàng, đất bạc rơi vào tay các “doanh nghiệp bạch tuộc”, không đầu tư sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án, phân lô bán nền làm thất thu ngân sách. Ông Vượt cho rằng, cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trung ương để giải quyết đến nơi đến chốn, không dây mơ rễ má, liên quan tới “hậu duệ”, “đồ đệ”, “lợi ích nhóm”.

Không khó để thấy được thất thoát ngân sách nhà nước từ những dự án BT chỉ định thầu mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ này. Và cũng không khó để thấy tài sản đã chảy vào túi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT dưới hình thức chỉ định thầu. Hậu quả là hàng nghìn hecta “đất vàng” bỗng chốc rơi vào tay doanh nghiệp. Với việc vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, của cơ quan chức năng, không ít quan chức địa phương bán rẻ đất công đã phải hầu tòa. Người vi phạm đương nhiên bị xử lý. Để thu hồi 100% tài sản bị thiệt hại, khôi phục trạng thái ban đầu là điều không thể. Giá như công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ, ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, chúng ta đã không mất cán bộ, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã không bị thất thoát.  

Với những hệ lụy khôn lường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.2020 quy định rõ, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu…

Nói “không” với triển khai mới dự án BT lúc này là điều cần thiết. Đây cũng là lúc chúng ta cần phải siết chặt việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức này nhằm bảo đảm tài sản nhà nước không bị thất thoát. Luật Đấu thầu đã có, để bảo đảm minh bạch trong thực hiện dự án, cần áp dụng phương thức đấu thầu rộng rãi, công khai, không nên chỉ chăm chăm áp dụng hình thức chỉ định thầu.