Dấu ấn của những dự án FDI “khủng”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không nằm ngoài dự đoán, nhờ những dự án “khủng” mà thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã có những xoay chuyển tích cực.

Hoạt động tại Nhà máy Foxconn Bắc Giang. Ảnh: Đức Thanh

Xoay chuyển tình thế nhờ dự án “khủng”

Chưa đủ để “lội ngược dòng” ngoạn mục, nhưng dự án “khủng” được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng 2/2021 cũng đã góp phần quan trọng để xoay chuyển tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm nay. Điển hình nhất có thể nhắc đến là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD; hay Dự án LG Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 750 triệu USD để nâng vốn đầu tư lên 3,25 tỷ USD.

Chỉ nhờ 2 dự án trên, riêng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 2/2021 đã lên tới 3,46 tỷ USD, tăng mạnh so với mức hơn 2 tỷ USD trong tháng 1. Nhờ đó, sau 2 tháng đầu năm, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ giảm 15,6% so với cùng kỳ, tốt hơn nhiều so với mức giảm 62,2% của tháng 1/2021”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Sự xuất hiện của các dự án “khủng”, bao gồm cả các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng 1/2021, như Dự án Chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh (tăng vốn thêm 312 triệu USD), dự án của Foxconn tại Bắc Giang (270 triệu USD), Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (210 triệu USD) đã góp phần quan trọng cải thiện tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong 2 tháng, vốn đầu tư đăng ký mới chỉ còn giảm 33,9% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm 70,3% của tháng 1/2021. Đặc biệt, vốn đầu tư tăng thêm đã đạt 1,61 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc các nhà đầu tư không ngừng dốc vốn để mở rộng sản xuất chính là lời khẳng định rõ nét nhất cho sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.

Hơn nữa, không chỉ là sản xuất, hay bất động sản như thường thấy, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 2 tháng đầu năm còn ghi nhận dấu ấn ở các dự án hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ, với tổng vốn đăng ký gần 153 triệu USD. Lĩnh vực này đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các lĩnh vực thu hút đầu tư được nhiều nhất, tiếp tục xu hướng tích cực được bắt đầu từ năm ngoái.

Năm ngoái, lĩnh vực chuyên môn khoa học – công nghệ thu hút được hơn 1,34 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5, trong khi những năm trước, thường không có trong danh sách top 10.

Sẵn sàng cho sự bùng nổ

Ngoài 3 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư (Dự án sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise, 110 triệu USD; Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng, 35 triệu USD và Dự án EPE Packaging Việt Nam, tăng vốn thêm 300.000 USD), TP. Đà Nẵng cũng vừa trao chủ trương đầu tư cho Công ty Arevo Inc. (Mỹ) để nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D, vốn đầu tư dự kiến 135 triệu USD.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ giảm 15,6% so với cùng kỳ, tốt hơn nhiều so với mức giảm 62,2% của tháng 1/2021.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Trong khi đó, nhiều địa phương khác, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đang sẵn sàng chờ đợi các dự án mới.

Thông tin từ ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, năm 2021, Foxconn dự kiến đầu tư thêm 700 triệu USD, sau khi đã đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.

Tập đoàn Luxshare cũng đang đầu tư thêm 1 dự án 190 triệu USD tại Bắc Giang, đồng thời tiếp tục mở rộng đầu tư ở Nghệ An.

Còn Goertek, sau nhà máy ở Bắc Ninh, chuyên sản xuất các loại tai nghe, micro và linh kiện điện thoại, đặc biệt là chuyên sản xuất AirPods cho Apple, cách đây ít ngày cũng đã tới Thái Nguyên để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới…

Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khiến các địa phương liên tục đề xuất việc mở rộng các khu công nghiệp mới trong năm ngoái và giờ là lúc các đề xuất đó trở thành hiện thực. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ liên tục chấp thuận chủ trương cho các địa phương xây mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp cũ.

Bắc Giang có lẽ là một trong những địa phương nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Yên Lư (diện tích 377 ha), Khu công nghiệp Yên Sơn – Bắc Lũng (300 ha), Khu công nghiệp Tân Hưng (105,3 ha) vào quy hoạch. Đồng thời, mở rộng Khu công nghiệp Quang Châu thêm 90 ha, Khu công nghiệp Hòa Phú tăng thêm 85 ha, Khu công nghiệp Việt Hàn thêm 148 ha…

Dễ hiểu lý do Bắc Giang nhận được sự ủng hộ của Chính phủ. Những năm gần đây, địa phương này nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực phía Bắc. Nhiều đại gia công nghệ cao đã lần lượt tới đây để mở nhà máy.

Không chỉ Bắc Giang, Hải Dương vừa được đồng ý về chủ trương cho đầu tư Khu công nghiệp An Phát 1. Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đồng Nai cũng đã lần lượt được phép xây dựng thêm các khu công nghiệp mới để sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư bùng nổ.

“Việt Nam luôn là một trong những điểm đến được ưa chuộng đối với các nhà đầu tư quốc tế và cũng là một trong những nước được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trước diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung”, ông David Nardone, Giám đốc điều hành WHA Industrial Development Plc, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA Corporation PLC nói.

Cũng vì lý do đó, sau khi xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Nghệ An, WHA mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa để xây dựng tiếp một khu công nghiệp hơn 1.000 ha tại tỉnh này.

Có lẽ, ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang sẵn sàng chờ đón sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.