Dấu ấn về sự đổi mới và quyết liệt 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ngay tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV đã tiến hành giám sát chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ về “việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Đây cũng là giám sát chuyên đề khởi đầu các chuyên đề giám sát tối cao khác đã được Quốc hội tiến hành trong nhiệm kỳ này trên tinh thần chọn đúng, trúng vấn đề nóng bỏng của đời sống và quyết liệt tạo chuyển biến trong thực tiễn.

Chuyên đề giám sát đặc biệt

Với nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV, chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên về “việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” để lại dấu ấn khá đặc biệt. Bởi lẽ, chuyên đề giám sát này đã được tiến hành “vắt” qua hai nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và Khóa XIV. Trong những ngày cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, các Đoàn giám sát của Quốc hội vẫn tiếp tục làm việc với một số tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Kết quả giám sát bước đầu đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao ngay tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV.

Một chuyên đề giám sát được tiến hành qua hai nhiệm kỳ Quốc hội là bởi sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã có tới 1.760 xã “về đích” – một thành tích rất đáng ghi nhận. Nhưng đằng sau đó cũng đã bộc lộ những tồn tại cần xử lý thấu đáo như: phát sinh khoản nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 10.000 tỷ đồng ở các xã nông thôn mới. Điều này có thể gây ra những hậu quả phức tạp và ảnh hưởng đến chủ trương hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.

Một chuyên đề giám sát được tiến hành, chuẩn bị từ cuối nhiệm kỳ Khóa XIII và chuyển giao cho nhiệm kỳ Khóa XIV tiến hành giám sát tối cao đã chứng tỏ sự liền mạch trong hoạt động của Quốc hội, dù trong thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, phải tiến hành quy trình, thủ tục liên quan đến bầu cử, bầu chức danh lãnh đạo của Nhà nước, thành lập các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV…

Qua tiến hành giám sát tối cao này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Quốc hội xác định thời hạn cụ thể để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi khi thực hiện chương trình này. Quốc hội cũng xác định những mục tiêu, yêu cầu mới để xây dựng nông thôn mới gắn bó chặt chẽ hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó thực sự tạo ra sự thay đổi về chất ở khu vực nông thôn.

Những quyết đáp mạnh mẽ, có thời hạn cụ thể tại nghị quyết nêu trên của Quốc hội đã được các cấp, các ngành chấp hành, góp phần chấn chỉnh công tác xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương, căn bệnh thành tích không còn, thay vào đó là những hoạt động thực chất và hiệu quả hơn.

Bám sát yêu cầu của thực tiễn

Từ chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên kể trên, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tiến hành nhiều chuyên đề giám sát khác về những vấn đề nóng bỏng trong thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Trong đó, có những nội dung khó, đòi hỏi phải có nguồn lực và thời gian nhất định như: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 hay giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm…; có những nội dung được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, bức xúc như: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống xâm hại trẻ em…

Cùng với giám sát chuyên đề, triển khai thực hiện những quy định bổ sung về tiến hành hoạt động giải trình, giám sát việc ban hành văn bản tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được tăng cường thực hiện. Dù nguồn lực, đặc biệt là nhân lực của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều còn mỏng trong khi khối lượng công việc rất lớn nhưng có thể thấy rằng, các cơ quan của Quốc hội đã kịp thời tiến hành giám sát hoặc tổ chức phiên giải trình về nhiều vấn đề bấp cập, gây bức xúc trong xã hội để làm rõ tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật, trong cách thức thực hiện và từ đó kiến nghị giải pháp khắc phục.

Thảo luận về tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV tại Kỳ họp thứ Mười một vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được tăng cường, không ngừng được cải tiến cả trong việc lựa chọn nội dung giám sát cho đến cách thức giám sát. Những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là điểm sáng cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

Dẫu vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cũng mong muốn, Quốc hội cần khắc phục những hạn chế trong khâu “hậu giám sát”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, “hậu giám sát” đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm và mong muốn Quốc hội có cơ chế để xử lý triệt để việc một số cơ quan, tổ chức còn chưa thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Để thực hiện yêu cầu này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, về phía chủ thể thực hiện giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục. Với chủ thể chịu sự giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, phải có sự cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm triển khai các nghị quyết và kết quả giám sát chuyên đề và chịu trách nhiệm về sự cam kết đó.

Có thể thấy, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, tăng cường thực hiện, có nhiều đổi mới trong thời gian qua. Nhưng đúng như mong muốn và kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, “hậu giám sát” đang là vấn đề đòi hỏi phải được củng cố hơn nữa để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.