Đầu tư đào tạo nguồn lao động XK: Doanh nghiệp bỏ vốn – chưa đủ!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ TB – XH – Đào Công Hải cho biết, trong khi các cơ sở đào tạo nghề công lập không đủ sức, để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đối tác nước ngoài, nhiều DN đã chủ động đầu tư bài bản cho việc đào tạo nhằm tạo nguồn lao động chất lượng và ổn định.

Vinaconex là một trong những thương hiệu hàng đầu về XKLĐ và cũng đã có những bước đi rất bài trong việc đào tạo người lao động trước khi đưa ra nước ngoài làm việc. Hiện nay Vinaconex đã đầu tư xây dựng 3 trường đào tạo tương đối hiện đại để dạy nghề, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho các lao động trước khi ra nước ngoài làm việc. Theo ông Thân Thế Hà, GĐ Trung tâm XK lao động – TCty Vinaconex, trong những năm qua, DN này đã đưa gần 100 nghìn lao động đi làm việc tại các nước. Đặc biệt với phương án là trang bị kiến thức, tay nghề cho người lao động, trong thời gian vừa qua nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề, đi làm việc đã thu được mức lương tới 800-1.000 USD. Cũng theo ông Hà, phương án đào tạo nghề bài bản cho người lao động cũng chính là cách để DN XKLĐ nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động cao hơn. Cũng chính từ sự đầu tư cho đào tạo kể trên, khoảng 60% lao động khi hết hợp đồng về nước tiếp tục được chúng tôi đưa đi nước ngoài làm việc. Thậm chí, nhiều lao động khi trở về nước lại trở thành giáo viên dạy nghề cho các lớp kế tiếp sau.

Theo kế hoạch của Bộ GD – ĐT, sẽ quyết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động trong 6 tháng tới. Bộ GD-ĐT cũng dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ dành 3-5% tiền thuế của các DN để hỗ trợ cho giáo dục khắc phục việc cả nước mới có 20% số lao động qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, trong khi tất cả các điều trên đang là kế hoạch thì các DN đã buộc phải nhanh chân để đầu tư cho đào tạo trước khi có kế hoạch của ngành GD- ĐT và có cơ chế của nhà nước.

Với hướng đẩy mạnh đầu tư cho đào tạo như trên, ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Simco Sông Đà – một DN mạnh trong XKLĐ cho biết, Cty đã đầu tư một trường dạy nghề theo chuẩn quốc gia tại Hà Tây. Trường nghề này có tổng đầu tư cả 2 giai đoạn lên tới 40 tỷ đồng. Tuy đã đầu tư khá lớn song Simco Sông Đà vẫn tiếp tục liên kết đào tạo với các trường nghề khác để đào tạo theo đúng đặt hàng của đối tác tuyển dụng khi có các hợp đồng cung ứng nhân lực.

Cũng theo ông Tuấn, trong khi nền sản xuất ngày càng phát triển, đòi hỏi về tay nghề người lao động cũng ngày càng cao, chính vì vậy nếu không lập tức đầu tư cho đào tạo, sẽ rất khó đáp ứng nhà tuyển dụng, thương hiệu LĐXK của VN sẽ ngày càng thấp và không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hiện nay mỗi năm VN đưa khoảng 70.000 lao động ra nước ngoài làm việc nhưng chỉ thu về được khoảng 1,5 – 1,6 tỷ USD. Con số này chỉ bằng hơn 15% thu nhập của các lao động Philippin và khoảng 10% của Thái Lan. Chưa kể tính cạnh tranh của LĐXK VN bị đánh giá rất thấp do ý thức kỷ luật chưa cao.

Vậy để đào tạo một lao động có thể đạt mức lương nghìn USD cần bao nhiêu kinh phí? Lấy ví dụ nghề hàn đang là nghề cần rất nhiều lao động hiện nay, tại trường đào tạo của Simco Sông Đà, để nâng cao tay nghề cho một thợ bậc 3 có thể lên tới bậc 5-6, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, chi phí khoảng gần 10 triệu đồng. Ông Chu Minh Tuấn cho biết: hiện nay nhiều người lao động khó khăn không đủ sức để đầu tư học nghề, chính vì vậy ngoài việc các DN bỏ vốn cũng rất cần các chính sách hỗ trợ mạnh hơn từ phía Nhà nước.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp