Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Cần đổi mới đồng bộ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những đóng góp lớn của FDI đối với nền kinh tế

FDI đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 1991 – 2000 là 30%, 2001 – 2005 là 16%, 2006 – 2011 là 28%. Các doanh nghiệp FDI đóng góp vào GDP thời kỳ 2001 – 2005 là 14,5%, năm 2010 tăng lên 20%; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 là 3,1 tỷ USD gần bằng 3,5 tỷ USD của cả 5 năm (2001 – 2005). Khu vực FDI tạo ra khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp, và có tốc độ tăng khá cao: giai đoạn 2001 – 2010 tăng 17,4%/năm trong khi toàn ngành công nghiệp tăng 16,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, từ 57,8 tỷ USD trong giai đoạn 2001 – 2005 lên 154,9 tỷ USD giai đoạn 2006 – 2010, bằng 2,67 lần, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (kể cả dầu thô).

FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm 2012, mặc dù kinh tế đang trong tình trạng suy giảm, và hầu hết các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và khát vốn thì khu vực FDI vẫn có những chuyển biến khá sắc nét. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm 2012 là 6,25 tỷ USD, bằng 99,2 % so với cùng kỳ năm 2011.

Bên cạnh đó, khu vực FDI đã góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tính đến hết tháng 7/2012, khu vực này đã tạo ra 1,7 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, trong đó có hàng vạn kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề, với thu nhập ngày càng tăng, du nhập phương thức lao động, kinh doanh và quản lý tiên tiến.

Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI liên tục gia tăng, riêng kim ngạch 7 tháng đầu năm 2012 đã lên tới 34,3 tỷ USD, trong đó một số mặt hàng công nghệ cao tăng trưởng rất nhanh: điện thoại và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 129,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,4 tỷ USD, tăng 84,9%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 2,7 tỷ USD, tăng 43,5%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2012 của khu vực FDI đạt 32,9 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2011 (con số của cả nước là 63 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ 2011).

Không những thế, khu vực FDI còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế, như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc…

Nguyễn Thị Thùy Minh  Nguồn:
TTTC số 18/2012