Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chưa có cơ chế để nhà đầu tư tự bảo vệ mình

Điều tra khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 8.053 DN trong nước và 1.540 DN FDI đánh giá những thủ tục phiền hà hàng đầu đối với nhà đầu tư là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng. Chỉ tính riêng quy định pháp luật liên quan tới TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đã có tới 6 luật, 10 nghị định, 9 thông tư và hàng trăm văn bản hướng dẫn cấp tỉnh điều chỉnh. Với “gánh nặng” như vậy, rủi ro là điều dễ hiểu bởi các quy định thường hay thay đổi, phức tạp, ít người biết đầy đủ, đặc biệt là chúng không giống nhau, “hiểu theo cách nào cũng được”. Chưa kể trong mỗi thủ tục hành chính có những thủ tục “con”, trong mỗi thủ tục “con” lại có thủ tục… “cháu”.

Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Lẽ ra cơ quan Nhà nước phải thúc đẩy nhà đầu tư, đằng này nhà đầu tư phải đi thúc đẩy cơ quan Nhà nước, từ đó tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nhà đầu tư như quả bóng bị đẩy đi, đẩy lại bởi các cơ quan Nhà nước buộc họ phải tìm một cơ quan đứng ra “bảo kê” dự án đầu tư”.

Đơn cử, để được nghiên cứu lập dự án, tại Hà Tĩnh, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục theo trình tự từ chấp thuận chủ trương đầu tư (UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế), giới thiệu địa điểm đầu tư (Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế) đến quyết định cho phép khảo sát và phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư.

Thủ tục đánh giá tác động môi trường mỗi địa phương cũng quy định một “phách”. Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục này sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt và trước khi xin ý kiến thiết kế cơ sở, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngược lại, tại Thái Nguyên, nhà đầu tư phải thực hiện ngay khi thực hiện thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất và trước khi cấp chứng chỉ quy hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội đầu tư Nguyễn Quốc Hiệp cảm nhận, TTHC dường như càng ra càng phức tạp, chứ không hề đơn giản. Hơn nữa, các thông tư do các Bộ, ngành ban hành tràn lan làm cho môi trường đầu tư phức tạp. “Chúng tôi là người Việt Nam đầu tư trên đất Việt Nam đã thấy mông lung như ma trận thì các nhà đầu tư nước ngoài càng không biết đâu mà lần” – ông Hiệp chia sẻ và dẫn chứng: “Năm 2005 có quyết định của Thủ tướng không được xây nhà cao tầng trong nội đô, những dự án đang chờ phê duyệt sốt xình xịch. Những cái sốc kiểu này là do hiện nay chưa có cơ chế để nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình”.

Xây dựng chuẩn mực để cán bộ làm đúng quy trình

Xuất phát từ thực tế của DN đã có một dự án đầu tư từ năm 2007 đến nay vẫn chưa được phê duyệt, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH tư vấn phát triển DN KN Hà Nội Nguyễn Hồng Khoái kiến nghị, tới đây phải có chuẩn mực để khống chế cán bộ thực hiện đúng quy trình quy định.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc đề xuất, các Bộ ngành trung ương cần sớm ban hành thông tư liên tịch trong lĩnh vực này để hướng dẫn địa phương thực hiện thống nhất đồng thời làm rõ khái niệm chấp thuận đầu tư và sửa đổi các nhóm quy định liên quan đến đầu tư, mô hình hợp tác công – tư… Ông Bắc nhấn mạnh: “Với nhiều Luật đang điều chỉnh hiện nay, chúng ta nên làm theo hướng một luật sửa nhiều luật, trong đó có một luật quy định rõ trình tự đầu tư theo các bước này, bước kia. Có thế, mới thực sự vì môi trường kinh doanh tốt và tiếp cận gần với cuộc sống hơn”.

Để cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hùng Huế đề xuất cần chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức (đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất); bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lắp, chồng chéo nội dung xét duyệt các thủ tục hành chính; không yêu cầu nhà đầu phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch…

Hoàng Thư
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam