Đẩy mạnh mua lúa để xuất khẩu: Sẽ không có chuyện “sốt” giá gạo!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá lúa rục rịch tăng

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng lập tức tác động tích cực đến thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Nếu như cách đây một tuần, lúa hè thu sớm của nông dân bị các chủ vựa ở Cần Thơ “lắc đầu” thì hiện nay, các vựa này treo bảng mua với giá cao hơn khoảng 300 đồng/kg. Tại các địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang… người thu mua cũng bắt đầu tìm đến các chủ ruộng, gạ mua với giá từ 4.800 – 5.100 đồng/kg, tùy theo vùng và chất lượng lúa. Giá này cao hơn 200 – 300 đồng/kg so với vài ngày trước đây. Tại khu vực Vĩnh Điều, Vĩnh Gia (nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên), giá lúa đã đạt mức 5.000 đồng/kg, một giá khá cao đối với một địa bàn vùng sâu. Ông Nguyễn Lợi Đức (ngụ xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) nói: “Lúa hè thu năm nay khá trúng, có nơi đạt đến 5,5 tấn/ha.

Tuy nhiên, giá cả phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đều tăng cao, nên nông dân vẫn không lời nhiều. Nghe tin Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nông dân chúng tôi mừng lắm và thực tế giá lúa đã rục rịch tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo khi thu hoạch rộ (khoảng cuối tháng 6 này), lại bị ép giá vì dân hàng xáo nói rằng các DN vẫn chưa mở kho “ăn hàng”, vì không có chỗ chứa…”. Cũng như ông Đức, nhiều nông dân có kinh nghiệm trong vùng đều khẳng định: một khi các DN chưa sẵn sàng mở rộng cửa kho thì giá lúa vẫn chưa thể đạt đúng giá trị của nó.

Tín hiệu tốt

Giám đốc một DN chuyên doanh lương thực lớn ở TP Cần Thơ cho rằng: Đến hôm nay (23.6), ông vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam về việc Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh mua lúa và xuất khẩu gạo. Thông tin này ông biết được thông qua báo, đài. Cũng theo vị giám đốc này, DN của ông ngưng mua lúa gần một tháng nay vì mua nhiều không có chỗ chứa và cũng không có vốn. Bởi theo quy định hiện nay, khi có hợp đồng xuất khẩu gạo ngân hàng mới cho DN vay vốn mua lúa của dân… Trong khi đó, ông Hồ Minh Khải, Phó giám đốc Nông trường Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) lại cho biết: Đơn vị ông vẫn mua lúa theo hợp đồng đã ký kết với nông trường viên. Ông Khải cho rằng, tin Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo đã có tác động tốt đến thị trường. Giá lúa ở khu vực Cờ Đỏ đã nhích lên 5.100 – 5.200 đồng/kg (trước đây chỉ 4.800 – 5.000 đồng/kg). Riêng một số loại lúa thơm giá lên đến 6.200 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, hiện nay lượng lúa gạo còn trong dân và tồn kho tại các DN vẫn còn nhiều, do vụ hè thu tại các tỉnh ĐBSCL vừa thu hoạch. Tuy nhiên, từ khi có lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo vào tháng 4.2008, các DN chỉ mua vào “cầm chừng” đủ để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó mà không dám mua nhiều để dự trữ. Lý do, bởi với lãi suất 1,75%/tháng như hiện nay, mỗi tấn gạo dự trữ sẽ phát sinh thêm 10 USD lãi ngân hàng một tháng, chưa tính các chi phí khác. Do vậy, nếu dự trữ càng lâu thì DN càng chịu thiệt hại nặng. Với các DN xuất khẩu gạo, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Đến thời điểm này, các hợp đồng vay nợ ngân hàng từ đầu năm đều đáo hạn. Vì vậy, DN phải tập trung lo trả nợ, nếu không sẽ khó vay được vốn mới để mua gạo, nhưng lãi suất cao hiện là vấn đề nan giải.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực VN, tới thời điểm này cả nước đã xuất được khoảng 2,2 triệu tấn gạo. Do vậy, nếu tính theo chỉ tiêu 4 triệu tấn, thì từ nay đến cuối năm còn xuất gần 2 triệu tấn nữa. Trong đó tập trung chủ yếu cho các hợp đồng xuất đi Philippines, Indonesia, Cuba… Sau đó, căn cứ tình hình thực tế sẽ có quyết định xuất 4 triệu hay là 4,5 triệu tấn trong năm 2008.

Một lý do nữa, việc đẩy mạnh mua lúa cho nông dân ở nhiều DN vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng, là do “vướng” ở cấp hiệp hội. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mê Kông, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới duyệt cho đơn vị chúng tôi xuất 5.500 tấn. Hiện chúng tôi đã xuất 3.500 tấn, chỉ còn 2.000 tấn nữa là hết hợp đồng. Chúng tôi đang đề xuất cho xuất 13.000 tấn nữa nhưng chưa được duyệt…”.

Như vậy, chuyện mua lúa hè thu cho nông dân vẫn chưa được trôi chảy lắm. Các DN đang mong Hiệp hội Lương thực Việt Nam sớm “phê” cho các hợp đồng cũ để họ thực hiện xong hợp đồng, tiếp tục tham gia mua lúa cho nông dân. Còn nông dân thì đang mong ngóng DN mở kho mua lúa cho họ “sớm chừng nào tốt chừng ấy”… Dù còn một số “trục trặc kỹ thuật” như vậy, nhưng thị trường đã phát đi tín hiệu tốt. Có thể vụ hè thu này là vụ thứ hai liên tiếp trong năm, người nông dân ĐBSCL có được niềm vui trọn vẹn: vừa được mùa, vừa được giá! 

Không thể có chuyện “sốt” giá gạo trong thời gian tới!

Chiều 23.6, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phan Huy Thông cho biết, vụ lúa đông xuân ở các tỉnh miền Bắc và hè thu ở các tỉnh ĐBSCL năm nay là những vụ được mùa. Nông dân các tỉnh miền Bắc đang cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân, sản lượng dự kiến đạt 6,4 – 6,5 triệu tấn, tăng hơn vụ đông xuân năm 2007 khoảng 200.000 – 300.000 tấn. Nông dân các tỉnh ĐBSCL cũng đã thu hoạch được khoảng 150.000 – 200.000 ha trong tổng số 1,6 triệu ha lúa hè thu. Năng suất ước tính khoảng 5 tấn/ha nên sản lượng lúa hè thu đạt khoảng 7,8 triệu tấn, tăng hơn năm 2007 trên 200.000 tấn. Với lượng lúa thu hoạch được, cộng với lượng lúa gạo dự trữ và còn lại trong dân, Việt Nam có đủ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như dành một phần cho xuất khẩu. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa của dân phục vụ xuất khẩu để đạt mức xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong quý III/2008 và khoảng 4 triệu tấn trong thời gian tới không ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia và hoàn toàn không thể có chuyện “sốt” giá gạo trong thời gian tới!

Nguồn: Báo Thanh niên điện tử