Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào tái cơ cấu nông nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 3/1,  Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập, với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học hoạt động trong ngành nông nghiệp.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, thì yêu cầu cấp bách nâng cao hiệu quả nghiên cứu ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ của các viện, trường, doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Đồng thời với đó là từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển, cũng như nâng cao năng lực sáng tạo khoa học, đổi mới công nghệ của cộng đồng khoa học nói chung và KHCN ngành nông nghiệp nói riêng. 

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã góp ý về cơ chế đặt hàng trong khoa học và tận dụng lực lượng cán bộ khoa học đã nghỉ hưu để thúc đẩy nhiều công trình khoa học đòi hỏi phải có bề dày nghiên cứu.

Theo Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, KHCN trong nông nghiệp của Việt Nam đã có nhiều thành tựu rất đáng kể. Cũng chính những thành tựu này giúp Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản như hiện nay.

Tuy nhiên, việc kết nối cung-cầu, tổ chức sản xuất vẫn còn nhiều bất cập, manh mún, chính vì vậy chưa phát huy được hết hiệu quả của tiến bộ KHCN trong nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ KHCN: Ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu trên trước hết phải ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hội.

Các cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã dày công nghiên cứu, chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm, các quy trình công nghệ mới, máy mọc, công cụ, giải pháp mới… và ứng dụng chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố; nhóm sản phẩm vùng, miền.

“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đặc biệt, khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có KHCN, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các HTX để tập trung sự liên kết…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: KHCN là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. KHCN không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp, mà sự phát triển của KHCN chính là sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đỗ Hương

 Nguồn: www.chinhphu.vn