ĐBQH Phạm Tất Thắng: Nên có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phát tán, xuất bản phẩm khi chưa được phép
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi)  chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới. Tuy nhiên đến nay vẫn còn  nhiều  nội dung  ý kiến khác nhau, thưa Đại biểu?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Từ sau Kỳ họp thứ Ba cho đến nay, Ban soạn thảo cùng với Ủy ban thẩm tra đã có những phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp thu ý kiến ĐBQH hoàn thiện dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Dự thảo Luật cho đến thời điểm này đã có nhiều sửa đổi so với dự thảo Luật trình ra QH tại Kỳ họp thứ Ba. Sau khi cùng với Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã giúp UBTVQH xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) để UBTVQH xem xét tại Kỳ họp thứ Mười một, Ủy ban sẽ họp để thông qua dự thảo Báo cáo chính thức trình UBTVQH báo cáo với QH tại Kỳ họp thứ Tư. Qua quá trình nghe ý kiến của chuyên gia và của các ĐBQH, cá nhân tôi thấy còn 5 vấn đề còn khá nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật này.
 
Thứ nhất là đối tượng thành lập và điều kiện hoạt động của nhà xuất bản. Trước đây, Luật Xuất bản năm 2004 quy định nội dung này rất chung và giao cho Chính phủ quy định tiếp về đối tượng được thành lập nhà xuất bản. Dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định rất rõ các đối tượng được thành lập nhà xuất bản. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng, quy định các đối tượng được thành lập nhà xuất bản như dự thảo Luật hiện nay là quá rộng. Luồng ý kiến khác lại cho rằng như thế là phù hợp. Luật trước đây quy định khi thành lập nhà xuất bản, cơ quan quản lý ra quyết định thành lập nhà xuất bản thì nhà xuất bản được phép hoạt động ngay. Nhưng hiện nay, dự thảo Luật tách ra làm 2 khâu, đó là quyết định thành lập nhà xuất bản thì giao cho cơ quan chủ quản; sau khi thành lập rồi, sẽ phải lập một hồ sơ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước để xin cấp phép hoạt động cho nhà xuất bản đó.
 
Nội dung thứ hai là liên kết xuất bản. Luật Xuất bản 2004 chỉ quy định đối tác liên kết xuất bản được tổ chức bản thảo, được liên kết để in và phát hành xuất bản phẩm. Qua quá trình giám sát, chúng tôi thấy có nhiều đối tác liên kết gần như làm ra một xuất bản phẩm trọn vẹn và nhà xuất bản thậm chí chỉ ký giấy phép xuất bản thôi mà không biết là tác phẩm đó nội dung như thế nào. Hiện nay, nội dung này đã được cụ thể hóa, đưa vào trong luật, thừa nhận vai trò của đối tác liên kết xuất bản nếu có đủ năng lực, điều kiện thì có thể tham gia biên tập bản thảo. Tuy nhiên, ở nội dung này cũng còn hai luồng ý kiến khác nhau là có nên quy định cho các đối tác liên kết xuất bản được liên kết ở mức độ cao nhất, nếu có đủ lực lượng được tham gia biên tập hay không hay chỉ dừng lại ở việc tổ chức bản thảo, in và phát hành?
 
Thứ ba là xuất bản điện tử. Hình thức xuất bản điện tử trong Luật 2004 chưa nêu rõ. Song trước điều kiện phát triển công nghệ, kỹ thuật như hiện nay cùng với sự phát triển của xuất bản điện tử trên thế giới thì chắc chắn chúng ta phải có những quy định rất rõ cho xuất bản điện tử trong dự thảo Luật lần này. Dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Ba đã có 3 Điều về nhà xuất bản điện tử, nhưng nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng cần phải có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về xuất bản điện tử. Vì vậy, nội dung này đã đưa thành một Chương trong dự thảo Luật lần này.
 
Nội dung thứ tư còn có ý kiến khác nhau là in xuất bản phẩm. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật này cần quản lý tất cả các cơ sở in. Bởi vì in xuất bản phẩm cũng chỉ là một lĩnh vực in trong rất nhiều lĩnh vực in khác. Luồng ý kiến thứ hai đề xuất, đây là Luật Xuất bản, vì vậy chỉ quy định quản lý các cơ sở in xuất bản phẩm trong Luật này thôi, còn các lĩnh vực in khác nằm trong phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác. Ủy ban thẩm tra và nhiều ĐBQH cho rằng, trong Luật Xuất bản chỉ nên quy định để quản lý các cơ sở in có in xuất bản phẩm.
 
Nội dung cuối cùng còn có ý kiến khác nhau là cấp chứng chỉ, giấy phép hoặc chứng nhận cho biên tập viên. Có ý kiến cho rằng có cần thiết phải cấp chứng chỉ này không? Liệu nghề biên tập có đặc thù để cấp thẻ hay chỉ cấp chứng chỉ hành nghề không? Hoặc là có cần thiết các loại giấy chứng nhận này hay không?

– Thưa Đại  biểu Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này có bổ sung nhiều quy định về hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử ?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Xuất bản điện tử rõ ràng là một xu thế của thế giới. Theo những thống kê gần đây, ví dụ như Công ty Amazon, lượng sách điện tử đã bán đã nhiều hơn khá nhiều so với sách in. Ngay như nước láng giềng Trung Quốc, có những công ty thành lập trang web chỉ để viết tác phẩm và bán trên mạng. Qua đây, có thể thấy xuất bản điện tử là xu hướng không thể khác được trong thời gian tới đối với nước ta. Đây cũng là ý kiến được rất nhiều ĐBQH nêu tại Kỳ họp thứ Ba. Dự thảo Luật mới nhất đã xây dựng một chương riêng về xuất bản điện tử, gồm 9 điều để điều chỉnh hoạt động xuất bản ở nước ta trong thời gian tới.
 
– Có thực trạng những xuất bản phẩm đang bị đình chỉ phát hành nhưng vẫn được số hoá và phát tán gây khó khăn cho công tác quản lý ?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Tôi nghĩ rằng, đối với thực trạng này chúng ta cần phân biệt hai tình huống. Một là những sách chúng ta mua với giá rẻ hơn nhưng chất lượng vẫn bảo đảm, có thể tạm gọi là “in thêm”. Loại thứ hai là những sách bày bán tại vỉa hè, chất lượng kém, không bảo đảm về nội dung, thậm chí bị đình chỉ phát hành. Đối với vấn đề này, Luật lần này đã tính tới việc hạn chế những hành vi chưa được phép xuất bản mà đã số hóa. Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành cũng như quy định trách nhiệm ràng buộc giữa các đơn vị bằng những hợp đồng bản gốc, giấy phép bản gốc… này khi nhân bản, tái bản, đưa lên mạng xuất bản phẩm. Khi xuất bản một xuất bản phẩm điện tử, cũng có những quy định tương tự như thế, tức là phải có giấy phép, cam kết của tác giả, của đối tác, của nhà xuất bản thì mới được phép phát hành lên các phương tiện điện tử. Đồng thời có những chế tài nghiêm khắc để hạn chế hành vi phát tán khi mà chưa được phép hoặc khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong quá trình phát hành, kể cả bản in giấy lẫn điện tử. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt hành vi đưa một tài liệu có tính chất cá nhân lên trang mạng xã hội (chẳng hạn) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
 
– Hiện nay, hành vi in lậu, in trái phép, phát hành xuất bản phẩm lậu gây bức xúc trong dư luận xã hội và làm tổn hại đến các đơn vị xuất bản, in, phát hành làm ăn chân chính… Dự thảo Luật (sửa đổi) đã điều chỉnh vấn đề này như thế nào, thưa Đại biểu?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Chúng ta cần phân biệt hai loại xuất bản phẩm như tôi đã nói ở trên. Với loại thứ hai là xuất bản giả, tôi nghĩ trách nhiệm của cơ quan quản lý phải có những chế tài nghiêm khắc không để bày bán tràn lan và xử lý như là hàng giả đối với trường hợp này. Với loại sách có thể do nhà xuất bản, nhà in nối bản, trong dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo đã cố gắng đưa vào những chế tài khá cụ thể, trong đó quy định rõ trách nhiệm của nhà xuất bản, của cơ sở liên kết, của đối tác in, của cơ sở phát hành để bảo đảm mỗi xuất bản phẩm được xuất bản ra thì chỉ có một số lượng xuất bản phẩm được kiểm soát và cũng quy định những chế tài khá cụ thể để xử lý hành vi gian lận trong hoạt động xuất bản cũng như in và phát hành xuất bản phẩm.
 
– Việc quản lý các cơ sở in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm không cùng một khung pháp lý với cơ sở in xuất bản phẩm, đã tạo kẽ hở cho những hoạt động in lậu. Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Hoạt động xuất bản gồm 3 khâu nằm trong một quy trình đó là: hoạt động xuất bản, hoạt động in, hoạt động phát hành. Chúng ta vẫn xác định hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, còn hoạt động in, hoạt động phát hành gắn nhiều với cơ chế thị trường, được điều tiết bởi quy luật cung cầu của thị trường. Điều này đã được thể hiện từ trong Luật Xuất bản 2004. Và rõ ràng, một cơ sở in, có thể in xuất bản phẩm và cũng có thể in rất nhiều những sản phẩm khác, ví dụ như in tiền, in sách giáo khoa, in bao bì, nhãn mác… và có những nhà in không hề in xuất bản phẩm. Những hoạt động khác thì đã có những luật chuyên ngành khác để điều chỉnh. Vì vậy chúng tôi cho rằng, Luật Xuất bản chỉ chế tài hoạt động in xuất bản phẩm của cơ sở in. Điều này hiện nay cũng phù hợp với quan điểm mà Ban soạn thảo đã đề xuất.

– Xin cám ơn Đại biểu!

Phạm Liên thực hiện
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân