Đề án Quản lý và phát triển thị trường bất động sản Hà Nội: Người kinh doanh sẽ chịu thuế luỹ tiến
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế luỹ tiến, biện pháp mạnh!

Nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, để hạ nhiệt thị trường BĐS Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế luỹ tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm mục đích hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính trình phương án đánh thuế luỹ tiến trong quý và hạn mức sử dụng bất động sản trong quý 2 năm 2008.

Tại một số địa phương việc triển khai đánh thuế luỹ tiến BĐS cũng đang được thực hiện. Mặc dù việc xác định hạn mức sử dụng đất không đơn giản, nhưng trong hai ngày 20 và 21.3, Sở Tài Nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã trình UBND TP dự thảo Đề án Quản lý và phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội trong đó tập trung vào giải pháp chống đầu cơ như đánh thuế bất động sản với người sử dụng và đánh thuế luỹ tiến đối với người kinh doanh bất động sản.

Nhìn nhận vấn đề “hạ nhiệt” thị trường bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ đã nhiều lần khẳng định: Để kéo giá đất xuống cần điều chỉnh bằng biện pháp tài chính. Phải dùng thuế để điều chỉnh mới có thể mong hạ giá nhà đất, chống đầu cơ. Hiện tại, việc tính thuế nhà đất còn có những bất cập thuế sử dụng đất đánh vào đất nhưng chưa đánh vào nhà, chưa tính vào diện tích, chưa tính vào giá trị. Thực tế nếu Chính phủ và Quốc hội xây dựng và sớm ban hành Luật Thuế sử dụng đất nhiều khả năng giá nhà đất cũng sẽ giảm.

Liệu thị trường có giảm nhiệt?

Theo Đề án của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, để điều chỉnh thị trường bất động sản hoạt động chính quy và giảm thiểu rủi ro, từ nay đến năm 2010, TP. Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ban hành các quy định cụ thể về cấp phép xây dựng nhằm quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp nhà ở. Đối với thực trạng các giao dịch về bất động sản trên thị trường thường diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán hoặc thông qua môi giới, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng không quản lý được, đề án nêu ra phương án điều chỉnh thuế phù hợp, khuyến khích người dân tự giác đăng ký giao dịch qua các cơ quan chức năng. Với diện tích bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, Hà Nội sẽ tập trung rà soát toàn bộ quỹ nhà công sở do các cơ quan đang quản lý, sử dụng trên địa bàn, trên cơ sở đó xử lý các cơ quan, tổ chức vi phạm, sử dụng dư thừa, kiên quyết thu hồi, đấu thầu để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho Thủ đô. Đánh giá những giải pháp trong Đề án, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận định: Việc đưa ra các biện pháp trước mắt như trên để thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và lành mạnh là điều cấp thiết. Bởi lẽ thị trường bất động sản Hà Nội hiện trong tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, giá bất động sản tăng do tình trạng đầu cơ làm tăng nhu cầu ảo, giao dịch phi chính thức nhiều…

Đề án này cũng đưa ra các giải pháp tổng thể quản lý thị trường bất động sản, trong đó vấn đề đánh thuế bất động sản thay cho các loại thuế liên quan đến nhà đất, theo đó, có thể là thuế lũy tiến hay thuế áp dụng đối với người kinh doanh nhà cao hơn hẳn so với người sử dụng như một số nước châu á đang áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty quản lý và tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho rằng: Việc đánh thuế lũy tiến BĐS sẽ có tác dụng ngay đối với thị trường BĐS. Chưa biết tác dụng đó xấu hay tốt, nhưng điều đầu tiên có thể khẳng định thị trường nhà đất sẽ lắng dịu ngay vì tâm lý của các nhà đầu tư là muốn chờ đợi, nghe ngóng động thái của thị trường. Lạc quan hơn, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong -Viện Nghiên cứu kinh tế Hà Nội cho rằng: Nếu thực hiện được như đề án, mức thuế sẽ cao dần, và vì thế giới đầu cơ bất động sản cũng không thể giữ lâu, phải bán ra. Khi bán ra nhiều, nhà đất sẽ giảm giá.

Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành ông Nguyễn Văn Đực cho rằng: Chúng ta có quá nhiều thủ tục từ duyệt quy hoạch, thẩm định quy hoạch cho tới duyệt dự án đầu tư, nó kéo dài thời gian xin thủ tục từ 3- 5 năm… những chi phí “ngoài luồng” này cũng sẽ góp phần làm đội giá bất động sản. Việc đưa ra đề án sẽ đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng là cần thiết nhưng về phía doanh nghiệp, việc này rất khó triển khai.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM