Để xã hội bớt thanh toán bằng tiền mặt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thay đổi một thói quen

Việc triển khai nhận lương qua thẻ sẽ bắt đầu từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo lãnh đạo một ngân hàng nhận xét, tuy việc nhận lương qua thẻ thực tế không mới, nhưng đối với nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước, thì đa số cán bộ công chức những nơi này có vẻ vẫn chưa quen. Ông cho biết, thậm chí còn rất nhiều cơ quan thờ ơ với chuyện này, ngay cả khi các ngân hàng đến tận nơi tiếp thị. Ở Sở Thương mại TPHCM, cơ quan trực thuộc UBND thành phố, từ hai tháng qua đã áp dụng quy định nhận lương qua thẻ. Anh Nguyễn Phương Nam, một chuyên viên của sở này, cho biết đa số cán bộ công chức tại cơ quan anh cứ những lúc sau khi có lương đều rút hết tiền mặt từ máy ATM ra để chi xài. Anh băn khoăn, quy định nhận lương qua thẻ nhằm hạn chế lưu thông tiền mặt nhưng rốt cuộc mọi người, dù có thẻ, buộc vẫn phải chuyển trở lại thành tiền mặt. Theo anh, số điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ hiện nay là không nhiều, do đó thẻ ATM chưa trở thành một công cụ đúng nghĩa để có thể thay thế tiền mặt hiện nay.   

Ông Võ Châu, một cán bộ thuộc UBND quận Tân Phú, TPHCM, nhận khoản lương hàng tháng cũng kha khá với mức là ba triệu đồng, vậy mà cũng rút toàn bộ ra để chi xài. Ngoài tiền phụ chi tiêu trong gia đình, còn lại để… dằn túi. “Đi uống cà phê, mua đồ ăn tại các cửa hàng nho nhỏ … đâu thể nào quẹt thẻ để thanh toán”, ông nói.  

Tại Viện lao và Bệnh phổi trung ương, nơi có hơn 1.000 cán bộ, bác sĩ và nhân viên phải nhận lương qua thẻ theo quy định mới, đồng nghĩa với việc ngân hàng nào được chấp thuận sẽ có thêm hơn 1.000 chủ thẻ tiềm năng. Đầu tháng 11-2007, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tổ chức 2 buổi thuyết trình về thẻ và các hình thức sử dụng thẻ cho toàn bộ cán bộ, bác sĩ và nhân viên trong viện. Nhưng thạc sĩ Nguyễn Thuý Hà, một bác sĩ ở viện nói: “Tôi chỉ mở thẻ theo quy định vì lương chỉ là 1/3 thu nhập hàng tháng của tôi từ viện. Các khoản thu nhập còn lại như thưởng hàng tháng và tiền bồi dưỡng độc hại thì tôi vẫn nhận tiền mặt nên không quan tâm nhiều lắm” 

Có thể vì lý do đó, đã hai tháng qua, Agribank vẫn chưa nhận được đầy đủ tất cả các thông tin khách hàng ở viện này. “Cũng không thể thúc giục nhiều được. Có đến đâu chúng tôi sẽ làm đến đó. Họ chưa thấy tác dụng nhiều từ việc dùng thẻ” – một lãnh đạo của Agribank cho biết.

Đứng trên qua điểm nhà cung cấp dịch vụ thẻ là ngân hàng, ông nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), cho biết theo ông chính sách này là một động thái để giúp người dân dần từ bỏ thói quen xài tiền mặt của mình. Muốn thay đổi thói quen của xã hội thì cần một quá trình kết hợp tuyên truyền và biện pháp hành chính, ông Thanh cho biết.  

Theo ông, công chức mặc dù lương thấp nhưng họ không thể rút hết tiền ra xài một lần, ít nhất cần phân bổ lượng tiền sử dụng trong một tháng chứ không thể nào rút hoàn toàn tiền ra cùng một lúc. Như vậy, phần nào sẽ giảm bớt áp lực cho ngân hàng và cho nền kinh tế, ông Thanh giải thích. “Hơn nữa, bất kể người nào cũng phải có điện thoại, cũng dùng điện, nước…, cho nên việc thanh toán tiền cước điện thoại, tiền điện, nước… thông qua ngân hàng sẽ vừa tiện lợi cho người sử dụng và cũng giảm áp lực dùng tiền mặt”, ông nói. 

Ở Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB), Tổng giám đốc Trần Phương Bình cho biết: “Ngoài 2 triệu khách hàng thẻ hiện tại, EAB dự kiến sẽ có thêm 2 triệu khách hàng mới trong năm nay”. EAB hiện là chủ sở hữu của 700/3820 máy ATM trong cả nước. Với quy định về việc công chức nhận lương qua thẻ của Chính phủ, EAB đặt mục tiêu đến hết quí 1-2008, sẽ đầu tư khoảng 10 triệu đô la Mỹ để mở thêm 300 máy ATM mới, đưa số lượng máy ATM của Đông Á lên con số 1.000 máy.

Kho bạc nhà nước TPHCM quy định đến hết ngày 31-3-2008, tất cả các cơ quan hưởng lương từ ngân sách phải hoàn tất việc trả lương qua tài khoản và hầu hết các sở, ban, ngành trong thành phố đã thực hiện xong, trừ một số UBND phường hoặc một vài đơn vị thuộc ngành giáo dục. Hiện cũng chưa có một con số thống kê chính thức bao nhiêu thẻ ATM được mở mới từ quy định này nhưng các ngân hàng cũng đã chuẩn bị sẵn phương án đón chủ thẻ mới với các dịch vụ gia tăng đa dạng hơn.      

Hạ tầng của ngân hàng có “chịu” được thẻ?

Theo các chuyên gia ngân hàng, để phát triển giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thẻ thanh toán (gồm thẻ tín dụng -credit card, thẻ ghi nợ – debit card) phải có hai yếu tố: nhu cầu sử dụng của chủ thẻ và mức độ phổ biến của các điểm chấp nhận thẻ.

Việc trả lương qua tài khoản được áp dụng ở nước ta đã tạo ra một cơ hội phát triển hàng triệu chủ thẻ mới nhưng hạ tầng thanh toán các ngân hàng cũng là việc phải tính đến.  

Hiện tại trên toàn quốc có 3.820 máy ATM và 21.875 điểm chấp nhận thẻ (POS – Point of sale). Tính ra có 0, 47 máy/10.000 dân và 2,67 điểm POS/10.000 dân. Mục tiêu đặt ra của Ngân hàng nhà nước là đến năm 2010, sẽ đạt con số 20 triệu thẻ lưu thông và hình thành được hệ thống chuyển mạch thẻ kết nối toàn bộ các máy ATM và POS trên toàn quốc với 70% các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn…chấp nhận hình thức thanh toán này (Nguồn: Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tháng 6-2007) 

Thị trường thẻ Việt Nam cũng có 4 liên minh lớn gồm: liên minh thẻ của ngân hàng Đông Á, Smartlink, Banknetvn, liên minh thẻ ANZ  với Sacombank. Cái bắt tay của Smartlink (23 ngân hàng thành viên) và Banknetvn (7 ngân hàng thành viên) hồi trung tuần tháng 11 nhằm kết nối hệ thống chuyển mạch thẻ giữa hai nhóm ngân hàng chiếm 85% thị trường thẻ Việt Nam cũng nhằm mục đích nâng cao tính hữu dụng thực tế của thị trường thẻ.

Bắt tay thì như vậy nhưng thực tế liên minh này mới chỉ chọn ra 2 ngân hàng thử nghiệm việc kết nối là BIDV và Techcombank. 28 ngân hàng khác dự kiến chỉ liên thông được qua một mạng lưới ATM vào cuối năm nay.

Trước sức phát triển của hàng triệu chủ thẻ mới, sẽ không tránh khỏi những trục trặc. Và cơ bản, chủ thẻ của ngân hàng nào thực hiện giao dịch trên máy ATM của ngân hàng đó hoặc ngân hàng trong cùng hệ thống liên minh thẻ.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank), cho rằng hạ tầng riêng từng ngân hàng hiện tại đều đáp ứng được yêu cầu của chủ thẻ trong hệ thống. Ông nói: “Có thể còn những chập chờn nhỏ  như máy hết tiền, không rút được tiền.. nhưng các ngân hàng đều có rất nhiều điểm giao dịch ở khắp nơi và khách hàng có thể rút tiền từ đó”.

Ông Trần Phương Bình cho rằng với việc dùng thẻ hiện tại, quan trọng nhất với các ngân hàng là hệ thống đường truyền .Như EAB  thuê mạng viễn thông của nhà cung cấp VNPT, đáp ứng được 15.000 giao dịch cùng lúc. “Tốc độ băng thông là yếu tố quyết định cho những kết nối và mở rộng trong giao dịch thẻ và EAB sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống này mạnh hơn để đáp ứng thêm nhu cầu cho 2 triệu chủ thẻ mới, với các dịch vụ đa dạng hơn trả lương”.

 Trả lương qua tài khoản, nói tóm lại, là một cơ hội thực sự hiệu quả và khả thi cho cả khách hàng (chủ thẻ) và nhà cung cấp (ngân hàng). Nhưng để đảm bảo cho hình thức này góp phần văn minh hoá cuộc sống của người dân, tiến đến một thị trường thanh toán không dùng tiền mặt thì bài toán phụ thuộc vào các cuộc cạnh tranh, đầu tư và liên kết các ngân hàng rất nhiều.