Đề xuất bỏ “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Pháp luật về thừa kế ở Việt Nam kể từ Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 đến nay có 4 loại thời hiệu là: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người quá cố để lại (1); thời hiệu khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế (2); thời hiệu khởi kiện bác bỏ quyền thừa kế của người khác (3) và thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản (4).

Nghiên cứu thực tiễn xét xử về thừa kế, chúng tôi nhận thấy 3 loại thời hiệu đầu không làm phát sinh những bất cập nên chúng tôi không bàn luận ở đây (chúng ta hoàn toàn có thể giữ lại để giữ sự ổn định của pháp luật). Tuy nhiên, loại thời hiệu thứ 4 nêu trên gây nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Dự thảo sửa đổi BLDS lấy ý kiến toàn dân có quy định cũng chưa thuyết phục về chủ đề này và cần có hướng xử lý tương thích.

Bất cập từ BLDS hiện hành

Kế thừa Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và BLDS năm 1995, Điều 645 BLDS năm 2005 quy định “thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Việc áp đặp thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản như trên đã thể hiện nhiều bất cập.

Thứ nhất, việc áp đặt thời hiệu 10 năm trên đã kéo theo một sự phức tạp trong hệ thống pháp luật Việt Nam do người Việt Nam không có thói quen yêu cầu chia di sản mà người thân để lại sau khi người thân mới mất. Trên thực tế, người dân vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết mặc dù thời gian 10 năm đã qua và Tòa án đã phải tìm cách để cho phép người thừa kế chia di sản. Chẳng hạn, để chấp nhận yêu cầu chia di sản đã quá thời hạn luật định, Tòa án đã tìm cách làm chậm thời điểm bắt đầu thời hiệu (như thời điểm bắt đầu chậm hơn thời điểm mở thừa kế nên thời hiệu chấm dứt muộn hơn), bằng cách không tính một khoảng thời gian vào thời hiệu (nên thời hiệu chấm dứt muộn hơn) hay bằng cách bắt đầu lại thời hiệu (cũng làm cho thời hiệu chấm dứt muộn hơn).

Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tối cao còn ban hành một Nghị quyết (số 02/2004) để xác định trong một số trường hợp di sản được chuyển thành tài sản chung của những người thừa kế nên người thừa kế được quyền yêu cầu chia. Chính sự cố gắng của Tòa án như vừa nêu (để giúp người dân vẫn được chia di sản mặc dù thời hạn 10 năm đã hết) đã làm cho hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp đối với thời hiệu trong lĩnh vực thừa kế.

Thứ hai, việc BLDS đặt ra thời hiệu (10 năm) để  “yêu cầu chia di sản” đồng nghĩa với việc BLDS buộc những người thừa kế phải tiến hành chia di sản trong thời hạn luật định (nếu họ không chia di sản trong thời hạn này thì sẽ không nhận được sự hỗ trợ của Tòa án khi thời hạn luật định đã hết). Đây là một giải pháp chưa thuyết phục ở cả góc độ lý luận cũng như thực tiễn. Khi cha mẹ để lại cho những người con (những người thừa kế) một khối tài sản (như một căn nhà, một biệt thự…) thì tại sao chúng ta (BLDS) lại bắt những người con (những người thừa kế) phải “chia năm xẻ bảy” khối tài sản này ?

Thứ ba, việc BLDS đặt ra thời hiệu để yêu cầu chia di sản như nêu trên là mâu thuẫn với những nội dung khác trong BLDS. Thực tế, di sản thừa kế là tài sản chung của những người thừa kế. Trong khi đó khoản 2 Điều 224 BLDS không áp dụng thời hiệu chia tài sản chung: Quy định vừa nêu theo hướng đồng sở hữu tài sản chung được yêu cầu chia tài sản chung ở bất kỳ thời điểm nào vì điều khoản này đã quy định “trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó” (không có thời hạn để chia tài sản chung).

Thứ tư, việc BLDS đặt ra thời hiệu để yêu cầu chia di sản như nêu trên là mâu thuẫn với văn bản khác đang có hiệu lực, mà cụ thể là Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS (sửa đổi năm 2011), “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện” trong khi đó tranh chấp về “chia di sản” thường là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Nói cách khác, BLTTDS theo hướng không áp dụng thời hiệu còn BLDS lại áp đặt thời hiệu là mâu thuẫn nhau.

Thứ năm, BLDS đưa ra quy định áp dụng thời hiệu 10 năm và khi hết thời hiệu 10 năm thì người thừa kế mất quyền khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, BLDS lại không cho biết số phận của di sản được quyết định như thế nào? Nghị quyết số 02/2004 nêu trên, cho rằng trong một số trường hợp di sản trở thành tài sản chung cũng không cho biết số phận của di sản nếu không thuộc trường hợp vừa nêu. Trong thực tế, Tòa án Nhân dân tối cao theo hướng tạm giao di sản cho người đang quản lý di sản nhưng tạm giao đến thời điểm nào cũng chưa có câu trả lời. Nói cách khác, di sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản trở thành tài sản không có cơ chế điều chỉnh rõ ràng và dứt khoát nên sẽ không giúp khai thác triệt để tài sản.

Bất cập của Dự thảo

Dự thảo đã đưa ra quy định khá mới về thừa kế. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 646 Dự thảo, “thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Quy định này (kéo dài thời hiệu đối với di sản là bất động sản) có nhiều bất cập.

Thứ nhất, Dự thảo vẫn duy trì thời hiệu cho việc yêu cầu chia di sản (tăng từ 10 năm lên 30 năm đối với di sản là bất động sản) nên vẫn giữ nguyên các bất cập nêu trên xuất phát từ việc áp đặt một thời hạn cho việc yêu cầu chia di sản.

Thứ hai, ngoài việc không triệt tiêu được các bất cập nêu trên, Dự thảo còn tạo ra những vấn đề mới, chẳng hạn quy định người thừa kế phải chia di sản thành 2 đợt (nếu họ không muốn chia di sản là bất động sản ngay) – động sản trong 10 năm còn bất động sản trong 30 năm (trên thế giới, chúng tôi chưa gặp nước nào lại tách di sản thành 2 loại để bắt chia ở hai thời điểm khác nhau).

Thứ ba, Dự thảo đưa ra hệ quả của hết thời hiệu yêu cầu chia di sản. Cụ thể, theo Dự thảo, “hết thời hạn này (10 năm khi di sản là động sản và 30 năm khi di sản là bất động sản) thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. 

Ở đây, có thể có sự nhầm lẫn về hệ quả của hết thời hiệu khởi kiện (hết thời hạn luật định thì mất quyền yêu cầu) với thời hiệu hưởng quyền (hết thời hạn luật định thì một chủ thể được hưởng quyền như quyền sở hữu tài sản). Việc những người thừa kế kết quyền khởi kiện không đương nhiên để một người thừa kế trở thành chủ sở hữu di sản. Để trở thành chủ sở hữu di sản theo các quy định chung về thời hiệu hưởng quyền, người thừa kế đang quản lý di sản phải đáp ứng rất nhiều kiện khó thỏa mãn đối với người thừa kế (ngoài điều kiện phải chiếm hữu trong một thời hạn luật định): Phải là chiếm hữu di sản không có căn cứ pháp luật (1), ngay tình (2), liên tục (3), công khai (4), không thuộc trường hợp được ủy quyền quản lý di sản (5) hay được giao tài sản theo giao dịch (6). Vì phải đáp ứng điều kiện vừa nêu mà cho đến hiện nay Tòa án Nhân dân tối cao cũng chưa bao giờ chấp nhận cho một người thừa kế trở thành chủ sở hữu tài sản thông qua quy định về thời hiệu hưởng quyền (Điều 247 BLDS hiện hành).

Thứ tư, quy định về hệ quả của hết thời hiệu nêu trên còn gây thêm bất cập nữa là Dự thảo theo hướng di sản thuộc về người “đang quản lý” mà không nêu rõ thời gian bao lâu. Để hiểu rõ hơn bất cập từ quy định này, chúng ta xem tình huống sau: A, B, C là ba người thừa kế tài sản do cha mẹ để lại. A đã quản lý tài sản này (nhà và quyền sử dụng đất) trong 29 năm và C quản lý khối tài sản này từ năm thứ 30. Nếu áp dụng quy định trong Dự thảo, di sản sẽ thuộc về C và đây là kết quả hoàn toàn không thuyết phục, không công bằng.

Đề xuất

Vấn đề thừa kế không phải là vấn đề mới ở Việt Nam và cũng không phải chỉ có ở Việt Nam. Bất kỳ xã hội nào cũng có vấn đề thừa kế nhưng các vấn đề nêu trên lại là đặc thù của Việt Nam.

Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều hệ thống pháp luật nước ngoài về thừa kế thì những bất cập nêu trên không thấy tồn tại. Sở dĩ các bất cập nêu trên không tồn tại là vì pháp luật nước ngoài không áp đặt thời hạn để người thừa kế phải tiến hành chia di sản (tức nếu quá thời hạn này thì yêu cầu chia di sản không được chấp nhận). Nói cách khác, tự chúng ta áp đặt thời hạn yêu cầu chia di sản và tự chúng ta phải đối mặt với những khó khăn do chính thời hạn này làm phát sinh.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất bỏ thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng tài sản của cha mẹ để lại (là một khối thống nhất) phải “chia năm xẻ bảy”.

Giải pháp này sẽ giúp tránh được mâu thuẫn giữa nội tại quy định trong BLDS (yêu cầu chia di sản và yêu cầu chia tài sản chung) và giữa BLDS với BLTTDS (không áp dụng thời hiệu). Giải pháp này cũng sẽ làm chấm dứt những phức tạp trong pháp luật hiện hành xuất phát từ việc áp đặt thời hiệu để yêu cầu chia di sản.

PGS. TS. Đỗ Văn Đại
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ