Đề xuất tăng lệ phí môn bài DN lên 3 lần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định do bộ này soạn thảo, doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng (được coi là doanh nghiệp lớn) sẽ phải đóng lệ phí môn bài 10 triệu đồng/năm (lâu nay gọi là thuế môn bài).

Trong khi đó, doanh nghiệp được xếp vào loại vừa và nhỏ, tức có vốn đăng ký từ 10 tỉ đến 100 tỉ đồng sẽ đóng 5 triệu đồng/năm.

Còn doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng thì đóng 3 triệu đồng/năm. Các chi nhánh, các cửa hàng trực thuộc đóng 2 triệu đồng/năm.

So với hiện hành, các mức này đều tăng rất mạnh. Lâu nay, doanh nghiệp đóng thuế môn bài theo 4 bậc, căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư.

Trong đó, doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỉ đồng đóng thuế 3 triệu đồng/năm. Mức thuế sẽ là 2 triệu đồng/năm nếu vốn đăng ký từ 5 đến 10 tỉ đồng. Thuế môn bài giảm xuống 1,5 triệu đồng/năm nếu vốn đăng ký từ 2 đến 5 tỉ đồng. Còn dưới 2 tỉ đồng thì mức thuế phải nộp là 1 triệu đồng.

Trong khi đó, với đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, mức thu đề xuất lại giảm. Theo đó, doanh thu trên 300 triệu đồng/năm, các hộ, cá nhân mới phải đóng lệ phí 1 triệu đồng/năm. Mức thu chỉ còn 300.000 đồng nếu doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,4 triệu đồng/tháng không phải nộp lệ phí môn bài.

Lâu nay, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 3,6 triệu đồng/năm (tức 300.000 đồng/tháng) đã phải nộp thuế môn bài với mức thấp nhất là 50.000 đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, nếu thu theo mức đề xuất kể trên, số thu dự kiến khoảng 2.685 tỉ đồng, tăng gần 1.000 tỉ đồng so với con số 1.700 tỉ đồng/năm so với hiện tại.

Lý giải về việc tăng thu đối với doanh nghiệp nhưng giảm thu với hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng, về bản chất, lệ phí môn bài là khoản thu nhằm kiểm đếm số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hằng năm (kể cả số có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh). Lệ phí này không giống như lệ phí đăng ký doanh nghiệp đang thực hiện theo quy định tại NĐ 43/2010/NĐ-CP. Do đó, cần có sự khác nhau giữa 2 loại lệ phí này. Bên cạnh đó, mức thu đề xuất bảo đảm công bằng và phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online