Dệt may khó khăn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong khi đây là mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp hiện mới chỉ có đơn hàng đến hết quí II, một số ít các doanh nghiệp ký được đơn hàng đến quí III hoặc đang đàm phán hợp đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp sợi gặp thêm khó khăn về nhập khẩu bông rơi chải kỹ do thuế suất tăng từ 0% lên 10% khiến cho các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.

Thống kê từ Vụ Xuất nhập khẩu cho thấy đến hết tháng 4 một số sản phẩm chính của ngành dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể: sản phẩm vải dệt từ bông tăng 18,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo tăng 2,1%, quần áo cho người lớn tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Theo Vụ Xuất Nhập khẩu, do kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thu nhập giảm sút dẫn đến việc người tiêu dùng thắt chặt hầu bao tiêu dùng. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 4 tháng qua đạt 4.412 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may về cơ bản giảm cả về lượng và trị giá, trong đó bông giảm 35,7% về trị giá và 10,2% về lượng; sợi các loại giảm 19% về trị giá, 4,8% về lượng; vải giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Trước khó khăn hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu thận trọng từng thị trường để khai thác tối đa lợi ích. Ngoài xu hướng thị trường và các yếu tố cạnh tranh truyền thống như năng suất, chất lượng, giá cả…, thương mại dệt may thế giới đang nổi lên vấn đề trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp và môi trường. Đây chính là thách thức lớn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nhận thức rõ và tích cực tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Cùng đó, doanh nghiệp dệt may nên tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh chú trọng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành.

Để xuất khẩu hàng dệt may năm 2012 tiếp tục tăng trưởng, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp dệt may cần triển khai một số biện pháp giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nghề để bổ sung nhân lực cho ngành./.

Uyên Hương
Nguồn: Báo Hải quan điện tử