Dệt may tìm động lực tăng trưởng từ M&A: Nước cờ chiến lược
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành dệt may đang ngày càng sôi động hơn. Đây là nước cờ chiến lược để các doanh nghiệp trong ngành hoàn thiện chuỗi giá trị, tạo động lực tăng trưởng…

.
Ngành dệt may được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi EVFTA bắt đầu phát huy tác dụng.

Hoàn thiện chuỗi giá trị

Hơn 10 năm trước, E-Land – tập đoàn hàng đầu về thời trang và bán lẻ ở Hàn Quốc trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất của Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) nhờ nắm giữ 30% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Đánh giá chung về xu hướng thị trường, bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương) cho rằng, cơ hội từ các thị trường lớn là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động mua bán cổ phần trong các doanh nghiệp dệt may sôi động hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, xu hướng này càng có thêm lực đẩy khi Chính phủ định hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2030 thông qua phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và cải thiện các “mắt xích” trong chuỗi sản xuất.

Sau đó, E-Land không ngừng nâng tỷ lệ sở hữu và hiện vẫn là cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất tại Dệt may Thành Công với 43,26% vốn, góp phần không nhỏ vào việc tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế của Dệt may Thành Công tăng 6 lần từ khi E-Land gia nhập bộ máy.

Từ năm 2020, nhằm tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất sợi – dệt – nhuộm – may của mình, Dệt may Thành Công tiến hành tìm kiếm nhà máy nhuộm để mua lại. Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Dệt may Thành Công chia sẻ: “Chúng tôi chọn mua nhà máy ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để thuận tiện cho logistics, với điều kiện nhà máy phải có công suất tối thiểu 5.000 m3/ngày đêm, nhưng chưa lựa chọn được, vì hầu hết nhà máy nhuộm ở khu vực này đều có công suất quá nhỏ”.

Năm 2021, ngành dệt may được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) bắt đầu phát huy tác dụng. Cùng với đó, nhu cầu vải trong nước đang cao dần, những nhãn hàng lớn cũng có xu hướng mua vải từ Việt Nam để sản xuất thay vì nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, giá sợi những tháng đầu năm 2021 đang tăng dần, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh năm 2021, Dệt may Thành Công sẽ xây dựng thêm nhà máy may; phối hợp với Viện Nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI), phát triển các mặt hàng sợi và vải mới dựa trên xu hướng, nhu cầu của khách hàng… Ông Tùng cho biết, Dệt may Thành Công sẽ tìm kiếm thêm đối tác hoặc phát hành cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn cho các dự án trong kế hoạch.

Tăng cường sức cạnh tranh

Trong 2 năm trở lại đây, các giao dịch mua bán cổ phần trong lĩnh vực dệt may không nhiều và chỉ dừng ở mức mua 10 – 15% cổ phần như một hình thức đầu tư, chứ không phải nhằm kiểm soát chi phối.

Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) chi 47 triệu USD (1.070 tỷ đồng) để mua gần 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Giao dịch thành công đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại Vinatex lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của doanh nghiệp này. Mỗi năm, Itochu xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trị giá trên 60 tỷ yên (khoảng 12.840 tỷ đồng), trong đó một nửa do Vinatex sản xuất. Năm 2021, Itochu đặt mục tiêu tiếp tục tăng sản xuất gia công, tăng giá trị xuất khẩu lên 100 tỷ yên.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc mua cổ phần theo hình thức góp vốn hay kiểm soát chi phối doanh nghiệp dệt may Việt Nam là một bước đi chiến lược của nhà đầu tư nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường dệt may toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, do tác động từ Covid-19, cộng với những hạn chế đã tồn tại lâu năm, nhiều doanh nghiệp  dệt may nội địa đang yếu dần và đây chính là nguồn cung cho thị trường M&A trong thời gian tới.

Hiện toàn ngành dệt may có hơn 7.000 doanh nghiệp, trong đó, hơn 80% có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu đầy đủ lợi thế về vốn, trang thiết bị hiện đại, chuyên gia và có sẵn nguồn cung cũng như đầu ra cho sản phẩm, thì các doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ lại chưa có chuỗi cung ứng ổn định và có nhiều điểm yếu cơ bản như năng suất lao động thấp, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nhân sự cấp cao, thiếu năng lực quản trị…

Một điểm yếu khác của hầu hết doanh nghiệp dệt may trong nước được bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra là chưa bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, mặc dù sản xuất, kinh doanh đều giỏi. Cụ thể, không ít doanh nghiệp rất lúng túng khi phải tiếp thị trực tuyến, xây dựng kênh bán hàng online…

“Tuần qua, tôi tiếp xúc với một doanh nghiệp may khá nổi tiếng, mặc dù đã đầu tư chuỗi robot trong dây chuyền may, nhưng do dịch bệnh kéo dài, không bán được hàng, không có tiền thuê kho để chứa hàng tồn… nên vừa bị ngân hàng siết nợ”, bà Hạnh bày tỏ sự tiếc nuối.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, nên thường khiến đối tác lo ngại về khả năng thực hiện các đơn hàng lớn. Đó là chưa kể, họ yếu ở khâu thiết kế thời trang và thương hiệu; hoạt động chủ yếu là gia công, nên khó tạo ra giá trị gia tăng cao; việc áp dụng khoa học – công nghệ cho dây chuyền sản xuất còn hạn chế…

Tuy nhiên, những điều này có thể được khắc phục khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với nhiều hình thức như góp vốn, hợp tác đầu tư hoặc M&A.