Ông Nguyễn Công Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh:
Tiếp tục cải cách hành chính để mở cửa cho nhà đầu tư
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Ngọ. Ảnh: L.N |
Năm 2007 vừa qua, Bắc Ninh đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 15,7%, tăng 0,7% so với 2006. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư đã đến với chúng ta rất nhiều để đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có Bắc Ninh.
Vì vậy, năm 2008, chúng tôi xác định vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào khu vực công nghiệp và dịch vụ với tốc độ tăng trưởng tiếp tục là 16%.
Chúng tôi sẽ tập trung cải cách cơ chế hoạt động của các cơ quan công quyền mà trọng điểm là tập trung tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào làm việc tại Bắc Ninh, trước hết là thực hiện cơ chế một cửa liên thông đặt ở Sở Kế hoạch Đầu tư. Mục tiêu tăng trưởng cả nước 9% mà Chính phủ đề ra cho năm tới là rất khả thi. Vì 2008 là một năm bản lề. Đề ra mục tiêu chung như vậy, các địa phương cũng đều có mục tiêu riêng để phấn đấu.
Ông Trịnh Quang Sử, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng: Năm 2008, tổ chức thí điểm thi chức danh trưởng, phó phòng
![]() |
Mô hình một cửa liên thông thí điểm ở quận Ngô Quyền đã nhận được sự ủng hộ của đa số của người dân. |
Chủ nhật vừa qua, chúng tôi đã tiếp ông chủ tịch tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) về Hải Phòng đi khảo sát thực tế, thăm bến cảng của thành phố. Ông ta đặc biệt quan tâm đến sân bay Cát Bi, hiện chủ yếu mở các tuyến bay nội địa với ba tuyến đi Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, Cát Bi đã từng mở đường bay quốc tế đi Hồng Kông nhưng do trục trặc kỹ thuật nên không hoạt động tiếp.
Ông ấy trao đổi với chúng tôi rằng sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư nói chung và của Hồng Hải sẽ chủ yếu xuất khẩu. Nếu xây dựng nhà máy ở Hải Phòng, có thể nhập khẩu nguyên liệu về qua đường biển nhưng xuất đi chủ yếu phải qua đường hàng không.
Ông ấy cũng nói rằng sân bay Cát Bi hoạt động như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu. Và nếu sân bay của chúng ta không mở tuyến bay quốc tế thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không quan tâm và sẽ không còn nhiệt tình đổ vốn vào nữa.
Cùng với sân bay, đầu tư hệ thống hạ tầng cảng biển cũng là yêu cầu quan trọng. Do kinh tế đang tăng trưởng cao, đầu tư, xuất nhập khẩu cũng ngày càng tăng với khối lượng lớn. Chẳng hạn, năm 2007 cả nước xuất gần 50 tỷ đô, nhập gần 60 tỷ đô.
Năm 2007, có 22 triệu tấn hàng hóa lưu thông bằng đường biển qua Hải Phỏng, tăng 27% (xấp xỉ 6 triệu so với 2006). Dù xây dựng thêm ba bến mới nhưng chúng tôi vẫn không đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cả về bến cảng, kho bãi. Cố lẽ 1, 2 năm sau Hải Phòng phải treo biển không tiếp nhận hàng hóa do không đủ năng lực cũng như hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận. Đề nghị năm 2008 khẩn trương xây dựng Cảng nước sâu Lạch Huyện, tầm nhìn tới năm 2025 phải đạt 200 -300 triệu tấn/năm.
Một số tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng cao, điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài lớn, phía Nam Thành phố, Bình Dương, Đồng Nai. Phía Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh . Nguyên nhân: Do cải cách hành chính, vị trí địa lý và hạ tầng kinh tế. Trong đó, sân bay quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông như đường bộ, cảng biển, sân bay của từng địa phương..
Ngoài ra, những dự định Hải Phòng sẽ làm trong năm 2008 tiếp tục là:
Thứ nhất, Cải cách hành chính. Chủ đề năm nay của chúng tôi tiếp tục là Cải cách hành chính và giải phóng mặt bằng vì đây là hai khâu quan trọng cho sự phát triển. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh và mở rộng mô hình một cửa liên thông. Năm 2007 làm thí điểm ở quận Ngô Quyền và đã thành công với 94% nhân dân hài lòng. Năm 2008 nhân rộng cả thành phố. Chúng tôi đề nghị liên thông cả từ Bộ xuống địa phương.
Thứ hai, tổ chức thí điểm thi các chức danh trưởng phó phòng cấp quận, phường lâu nay vẫn cứ bổ nhiệm theo quy trình bầu cử. Tới nay sẽ có đề án tổ chức thông báo công khai để có tiêu chuẩn và tổ chức thi.
Thứ ba, khắc phục tình trạng đình công, ngừng việc tập thể. Ở Hải Phòng năm 2007 có tới 27 vụ đình công, quy mô đình công ngày càng phức tạp, lớn, có những vụ 6.000 – 7.000 người kéo dài 9 ngày, gây mất ổn định và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Không quản lý tốt và xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Tài:
Giải quyết ùn tắc và ngập nước là hai chương trình nghị sự 2008
![]() |
Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM Nguyễn Thành Tài. Ảnh: P.C |
Cũng như Hà Nội, TP.HCM cũng đang đứng trước vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Hai vấn đề này nếu để thành phố tự giải quyết sẽ rất nan giải, ra trước hội đồng nhân dân sẽ rất khó trả lời các câu chất vấn của đại biểu.
Thành phố đã xác định giải quyết ngập nước và ùn tắc giao thông sẽ là chương trình nghị sự của thành phố năm 2008. Giải quyết chuyện đất đai cũng là một vấn đề. Cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đang trong quá trình đô thị hóa nên vấn đề đền bù đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn. Giá theo Nghị định của nhà nước là một kiểu. Nhưng khi báo cho tư nhân thì giá lại cao hơn.
Về giao thông, chúng tôi cũng rất thấm thía với chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công thương về việc tỷ lệ nhập khẩu xe ô tô du lịch sau hai lần giảm thuế năm qua đã tăng 5,6 lần (cả nước. PV). Lượng xe đó không chảy về địa phương mà là chảy về các đô thị lớn. Như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tháng tăng 200 xe, chưa kể xe máy mỗi ngày tăng thêm 2.000 xe.
Năm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt và vượt qua 14 chỉ tiêu. Tăng trưởng đạt 12,8%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thành phố cũng phấn đấu 2008 sẽ hoàn thành xong xóa đói giảm nghèo.
Nguồn: VNN