Dịch văn bản quy phạm pháp luật: Nỗ lực từ nhiều phía
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chưa có điều kiện bảo đảm triển khai

Cho đến thời điểm này, Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị chủ lực trong việc dịch văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ra tiếng nước ngoài. Trong hơn 20 năm qua, đơn vị này đã dịch sang tiếng Anh toàn bộ các bộ luật, luật và nghị quyết của QH; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, mới đây là Hiến pháp 2013. Đối với các văn bản dưới luật thì chỉ lựa chọn dịch dựa trên hai tiêu chí: nhu cầu phổ biến tuyên truyền và nhu cầu của độc giả nước ngoài để dịch. Tính đến hết tháng 10.2015, đơn vị này đã dịch toàn văn khoảng 7.600 VBQPPL trong tất cả các lĩnh vực với tổng số 73.000 trang. Cùng với đơn vị này thì còn một số cơ quan tổ chức dịch VBQPPL sang tiếng dân tộc, trong đó phải kể đến Ủy ban Dân tộc. Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Ủy ban Dân tộc, Phan Hồng Thủy cho biết, chỉ dịch 4, 5 thứ tiếng có tỷ lệ dân số nhiều như Mông, Thái, Khmer, Chăm phục vụ công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật. 

Thực tế cho thấy, công tác dịch thuật vốn không hề đơn giản, dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài còn khó khăn hơn, có tính đặc thù, đòi hỏi kiến thức sâu rộng về chính trị – pháp luật Việt Nam và các lĩnh vực có liên quan cũng như trình độ tiếng Anh tốt. Có không ít trường hợp, từ tiếng Việt như thế này nhưng khi dịch sang tiếng Anh phải dùng thuật ngữ khác, đòi hỏi người dịch phải nắm vững lĩnh vực mình dịch và hiểu ý cơ quan soạn thảo. Càng ngày càng nhiều các văn bản đồ có dài hàng trăm trang chưa kể đến phụ lục, bảng biểu.

Vấn đề này càng khó hơn khi hiện nay các đơn vị dịch VBQPPL chưa nhận được sự hỗ trợ nào về mặt tài chính, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và Nghị định hướng dẫn có quy định cụ thể về vấn đề này. Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Minh cho biết, cho đến nay tạp chí chưa nhận được nguồn kinh phí dịch VBQPPL theo Nghị định 24 – tức là Nghị định hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Nay đã có Luật mới không rõ vấn đề này được xử lý như thế nào hay là chỉ quy định cho đủ, còn không có điều kiện bảo đảm để triển khai?

Có cần thẩm định hay chỉ hiệu đính?

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc Phan Hồng Thủy đặt vấn đề, nếu chỉ quy định bản dịch VBQPPL chỉ có tính chất tham khảo thì có cần hội đồng thẩm định hay không? Việc thành lập quá nhiều hội đồng có giải quyết được vấn đề hay chỉ mang tính hình thức? Nếu có hội đồng thì thành phần hội đồng là ai? Cơ chế, kinh phí để hoạt động này như thế nào? Theo quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp sẽ thẩm định bản dịch. Liên quan đến vấn đề này cũng có còn nhiều băn khoăn, bởi nếu giữ chức năng thẩm định bản dịch thì phải có đội ngũ làm công tác thẩm định thông thạo tiếng Anh, am tường các lĩnh vực của đời sống pháp lý? Hiện nay đây đang là vấn đề khó cho ngành tư pháp khi không có cán bộ chuyên dịch VBQPPL. Đơn vị nào của Bộ Tư pháp sẽ là đầu mối cho việc thẩm định? Bởi văn bản pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó cần nhiều chuyên gia pháp lý có trình độ tiếng Anh tốt ở nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia thẩm định. Việc thẩm định sẽ như thế nào trong trường hợp bản dịch dài, cần thẩm định trong cùng một thời gian, để bảo đảm thời hạn trước khi đưa lên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với những văn bản ngắn, nội dung đơn giản, độ dài dưới 10 trang, chỉ sửa đổi, một số điều thì có cần thẩm định? Có cần lập hội đồng thẩm định? Có ý kiến cho rằng, để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, nhất là trong bối cảnh luật ban hành ngày càng nhiều thì không cần thẩm định chỉ cần hiệu đính. Để làm được điều này, một lần nữa cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành văn bản và cơ quan chịu trách nhiệm dịch văn bản cần phải chặt chẽ hơn. Bởi thành lập hội đồng thẩm định mà lại không chuyên nghiệp hơn người dịch thì chất lượng thẩm định sẽ ra sao? Kể cả trong trường hợp hiệu đính văn bản dịch thì cũng phải “thông tỏ” hơn cơ quan dịch.

Thực tế, trách nhiệm phối hợp của các bên đối với cơ quan dịch VBQPPL đã được quy định, song cơ chế phối hợp như thế nào, quy trình ra sao thì chưa rõ, nên trong thời gian qua vẫn là tình trạng “việc ai người đó làm”. Người soạn thảo thì cứ việc xây dựng văn bản còn người dịch thì cứ dịch không biết là trên thực tế bản dịch đó có bảo đảm tính chính xác về thuật ngữ pháp lý hay không? Chính vì thế, để giảm gánh nặng cho hội đồng thẩm định (nếu được thành lập hay việc hiệu đính của các cơ quan chức năng) thì nên quy định cơ quan dịch sẽ chịu trách nhiệm pháp lý về bản dịch của mình. Trách nhiệm này đến đâu cần phải được quy định rõ trong luật.

Theo Thông tư liên tịch số 92/2014 Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật: Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: mức tối đa 120.000 đồng/trang (350 từ). Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: mức chi tối đa 150.000 đồng/trang (350 từ). Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số: mức chi tối đa 100.000 đồng/trang (350 từ). Hiệu đính tài liệu dịch: mức tối đa 40.000 đồng/trang (350 từ).

Trúc Mai
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân