Điểm mặt dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Cần Thơ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong nửa đầu năm nay, TP. Cần Thơ mới giải ngân đạt 18,57% kế hoạch vốn. Đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước.

.
6 tháng đầu năm 2020, TP. Cần Thơ mới giải ngân đạt 18,57% kế hoạch vốn.

Năm 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư công của TP. Cần Thơ là trên 6.573 tỷ đồng, tăng 30,34% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng vốn thực hiện đã bố trí theo quyết định của UBND Thành phố là gần 6.306 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân 1.171 tỷ đồng, chỉ đạt 18,57%.

Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân tính theo phân cấp quản lý, thì cấp thành phố đạt rất thấp, chỉ đạt tỷ lệ giải ngân là 14,67%. Ở cấp thành phố, có 24 sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư 107 dự án, thì có đến 4 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn bố trí, 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn, 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn, 6 chủ đầu tư giải ngân trên 30% (trong đó chỉ có 2 chủ đầu tư giải ngân trên 50%).

Điển hình về chậm giải ngân là Sở Công thương và Sở Xây dựng. Trong đó, Sở Công thương đã bố trí kế hoạch vốn trên 52,823 tỷ đồng cho 2 dự án cấp điện nông thôn và các dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến ngày 30/6/2020 vẫn chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư nào.

Tương tự, kế hoạch vốn năm 2020 của Sở Xây dựng đã bố trí cho Dự án Trung tâm văn hóa – thể thao quận Ninh Kiều (180 tỷ đồng) và Dự án đầu tư xây dựng nâng chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải TP. Cần Thơ (9 tỷ đồng). Nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân cả hai dự án này vẫn bằng 0%.

Với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP. Cần Thơ (VnSAT) đạt 3,82%. Còn dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (19 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Còn Sở Y tế – chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ với kế hoạch vốn năm 2020 đã bố trí là 661,707 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 24.811 tỷ động, đạt tỷ lệ 3,75%.

Đơn vị được bố trí vốn năm 2020 nhiều nhất trong số 24 sở, ban, ngành của TP. Cần Thơ là Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ, với vốn bố trí là 1.584,656 tỷ đồng, giải ngân được 162,659 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,26%.

Tổng vốn thực hiện đã bố trí theo quyết định của UBND TP. Cần Thơ là gần 6.306 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân 1.171 tỷ đồng, chỉ đạt 18,57%.

Ở cấp quận, huyện, tỷ lệ giải ngân có khá hơn, nhưng cũng còn rất thấp, với 27,1%. Trong đó, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất là huyện Thới Lai, với tỷ lệ 56,15%. Còn địa phương thấp nhất là huyện Vĩnh Thạnh, với tỷ lệ 9,83%.

Nói về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đạt tỷ lệ rất thấp, ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, nguyên nhân chính là sự chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ thủ tục của các chủ đầu tư, UBND quận, huyện để trình Hội đồng Thẩm định giá đất. Đặc biệt, có trường hợp chưa sát thực tế, có khiếu nại, phải điều chỉnh, nên mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, theo ông Hiện, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nền tái định cư. Một số địa phương, địa bàn có tình trạng tăng đột biến giá đất giao dịch, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng, thi công công trình.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thông tin, năm nay, Hội đồng Nhân dân TP. Cần Thơ đã thông qua cho mỗi quận, huyện một dự án tái định cư và Thành phố đang yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chủ tịch TP. Cần Thơ đã giao các phó chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có phát sinh) đối với các công trình thuộc lĩnh vực phụ trách, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất, kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, giải quyết.

Thành phố cũng đã thành lập Tổ Giám sát do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc các dự án. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát các điều khoản trong hợp đồng, cần có điều khoản ràng buộc trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của hai bên, làm cơ sở xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng, chậm hoàn thành dự án theo tiến độ đã ký kết.