Diễn biến tất yếu của thị trường vốn, hay chỉ là chiêu của giới ngân hàng?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù liên tiếp xuất hiện trên báo chí những thông báo hạ lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại lớn, nhưng giới doanh nghiệp – các khách hàng chính của ngân hàng vẫn chưa phấn khởi. Ngay cả những doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu – vốn là lĩnh vực được ưu tiên vay vốn cũng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo giá mới như công bố. Dư luận  hồ nghi rằng, hạ lãi suất huy động lần này liệu có phải là động thái phản ánh tính tất yếu của thị trường vốn, khi thanh khoản của ngân hàng tăng, áp lực lạm phát đã giảm? Hay đây chỉ là nỗ lực mang tính ý chí nhằm giảm áp cho dư luận xã hội và đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là phải nhanh chóng giảm lãi suất cho vay? Hồ nghi này không phải là không có cơ sở, khi các ngân hàng vẫn tiếp tục bằng nhiều cách lách quy định trần lãi suất huy động bằng nhiều chiêu khác nhau, như đẩy lãi suất huy động không kỳ hạn lên gấp đôi, áp kịch trần (từ 2 đến 2,4% lên đến 4,5 hay 5%), quy định mức huy động trần theo kỳ hạn 1 năm (13%) cho cả những kỳ hạn huy động 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng… cho đến 12 tháng. Động thái này càng cho thấy ngân hàng đang khát vốn và những tuyên bố dù thành văn hay bất thành văn của các ngân hàng cũng vẫn chỉ là để tuyên bố! Nhiều doanh nghiệp đã tự cho mình là ngây thơ khi vừa hay tin ngân hàng giảm lãi suất cho vay đã ngay tức thì tiến hành hoàn chỉnh dự án, hồ sơ vay vốn, bỏ công tiếp xúc với cán bộ tín dụng ngân hàng để mong vay được vốn lãi suất thấp hơn (dù chỉ mới hạ chút ít theo công bố). Nhưng sau hàng tháng đi lại, cái duy nhất mà doanh nghiệp nhận được vẫn là câu “Chờ!”. Không ít doanh nghiệp khi được hỏi về chuyện này đều trong tâm trạng vừa muốn kể, vừa muốn giấu vì không muốn bị người khác biết là mình ngây thơ cả tin, thậm chí còn sợ bị vu là sức khỏe doanh nghiệp có vấn đề. Vì thuật ngữ này thường được các ngân hàng sử dụng để từ chối một khoản đề nghị tín dụng đến từ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khác khi tâm sự thì bức xúc, nhưng cuối cùng thường chốt lại một câu là “đừng có tiết lộ danh tính”, sợ bị ngân hàng đưa vào danh sách tín dụng hạn chế.

Vậy cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng có bao giờ đặt câu hỏi: tại sao doanh nghiệp lại sợ ngân hàng nếu như thị trường vốn đang lành mạnh? Và khi nào thì những chiêu trò lách trần, giảm áp bằng… miệng của các ngân hàng thương mại mơí chấm dứt? Nếu không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, thì căn bệnh lách trần, đối phó, xoay xở để che dấu thực trạng thanh khoản èo uột, nợ xấu gia tăng của các ngân hàng thương mại sẽ dễ trở thành di căn, ẩn họa lâu dài cho thực thể nền kinh tế. Lúc đó bệnh thật khó chữa!

Thu Liên
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân