Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 – 2012: Quản lý hành chính tòa án tại Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những yếu tố làm lu mờ tính độc lập

Quản lý công tác hành chính tư pháp; quản lý công tác giải quyết vụ án; ngân sách và điều kiện làm việc cho thẩm phán; công tác tổ chức cán bộ; giám sát hoạt động của Tòa án… là những nội dung được gửi đến 2.500 thẩm phán cấp tỉnh và huyện trên toàn quốc. Những nội dung trên đã làm sáng rõ một vấn đề rất quan trọng, cũng là tâm điểm xung quanh hoạt động của Tòa án với tư cách trọng tâm của hoạt động tố tụng. Những yếu tố này đã tác động như thế nào đến tính độc lập Tòa án ở từng địa phương, từng Tòa án cụ thể có những biểu hiện không giống nhau, song đều gợi mở những vấn đề quan trọng trong cải cách tư pháp nói riêng và cải cách hành chính nói chung.

Công tác tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện của các Tòa án hiện nay không theo một mô hình, quy trình thống nhất. TANDTC chưa có một quy trình cụ thể nào về quy trình thủ tục hành chính tư pháp trong mối quan hệ hành chính. Do đó, các Tòa án tự xây dựng các quy trình của riêng mình và phụ thuộc nhiều vào ý chí, phương pháp quản lý của người đứng đầu Tòa án đó. Điều đáng quan tâm, có đến 29,2% thẩm phán cấp tỉnh và 22,8% thẩm phán cấp huyện đã trao đổi đường lối giải quyết vụ án đối với lãnh đạo Tòa án đối với các loại vụ án; 63,9% thẩm phán cấp tỉnh và 67,7% thẩm phán cấp huyện cho biết Tòa án mình có quy chế về báo cáo án. Việc thỉnh án hay báo cáo án đã tác động rất lớn đến tính độc lập của thẩm phán và Hội đồng xét xử; đồng thời việc này cũng làm lu mờ nguyên tắc về tính đại diện của nhân dân trong hoạt động xét xử thông qua Hội thẩm nhân dân.

Một vấn đề có tính chất quyết định đến tính độc lập trong xét xử của thẩm phán chính là ngân sách và điều kiện làm việc cho thẩm phán. Theo đó, để bảo đảm nguyên tắc độc lập tư pháp, Tòa án phải được cung cấp đủ tài chính thông qua cơ chế cấp ngân sách hoạt động minh bạch và không bị phụ thuộc vào cơ quan phê duyệt ngân sách. Tuy nhiên, tình trạng ngân sách không đủ cho hoạt động tương đối cao (35,7% Chánh án cấp tỉnh và 60,5% Chánh án cấp huyện cho biết Tòa án của mình không đủ ngân sách để trả phí luật sư tham gia các vụ án bào chữa chỉ định; 73,3% Chánh án cấp tỉnh, 79,2% Chánh án cấp huyện cho biết Tòa án của mình không đủ chi phí xét xử lưu động).

Chọn khâu nào để đột phá?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, để tạo được chuyển biến căn bản trong cải cách tư pháp, cần phải nghiên cứu tìm giải pháp đột phá. Đó chính là cải cách tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49 “Cải cách tư pháp lấy trọng tâm là cải cách hệ thống Tòa án”. Bởi lẽ, chất lượng phán quyết, các bản án và quyết định của Tòa án là kết quả cuối cùng của cả một chuỗi hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử). Một bản án được Tòa án tuyên công bằng, khách quan, đúng pháp luật luôn tạo ra sức mạnh, tính chân lý của cả hệ thống cơ quan tư pháp mới được người dân tin tưởng “tâm phục, công phục”. Thông qua hoạt động của Tòa án, các cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án cũng phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của mình để bảo đảm tính đồng bộ, trách nhiệm.  

Thực tế đã có một số Tòa án chủ động thực hiện một số cải cách hành chính tư pháp tương đối sớm như TAND TP Hồ Chí Minh, TAND TP Hà Nội, TAND các tỉnh Bình Dương, Thanh Hóa, Tiền Giang… Tuy nhiên, kết quả, bài học kinh nghiệm và mô hình cải cách chưa được đúc rút kinh nghiệm, phát triển thành mô hình và nhân rộng một cách có hệ thống. Chính vì lẽ đó, TANDTC đã tiến hành thí điểm tại 3 tòa (Hưng Yên, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế) với các nội dung tiếp dân; tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị…; phân công giải quyết các vụ án; lưu trữ và cấp sao lục bản án, quyết định; xếp lịch xét xử; quản lý số lượng án đầu vào, đầu ra và án tồn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tiếp dân, thông thường do một Thẩm tra viên thuộc Phòng Giám đốc kiểm tra phụ trách, cán bộ này có nhiệm vụ tiếp nhận các yêu cầu của người dân, hướng dẫn người dân liên hệ với các Tòa chuyên trách hoặc các bộ phận khác để được giải quyết. Với mô hình này, người dân phải đi qua nhiều khâu mới đến được địa điểm mình cần gặp. Tại nơi tiếp dân không công bố các thủ tục hành chính, việc tiếp dân không được ghi nhận vào sổ sách, không ghi chép ý kiến, nguyện vọng của người dân làm căn cứ giải quyết hoặc hướng dẫn. Ls Nguyễn Hưng Quang gợi ý, ngay tại trụ sở Tòa án phải cung cấp thông tin về thủ tục tố tụng, phương thức làm việc với Tòa án và tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận. Qua khảo sát cho thấy, không phải Tòa án nào trên toàn quốc cũng có các nguồn thông tin này. Hơn nữa, việc áp dụng máy móc của không ít cán bộ Tòa án đối với những người tiến hành thủ tục tố tụng, mẫu đơn người dân cũng tác động vào niềm tin của người dân đối với cơ quan xét xử. Liên quan đến việc công khai các thủ tục hành chính, việc công khai bản án, quyết định cũng được đề cập tới, song cần phải thấy rằng việc lựa chọn bản án, quyết định nào được công khai, hay được giữ bí mật (liên quan đến quyền công dân, an ninh quốc gia) cũng cần phải tính đến. Tính hiện thực của đề xuất này cần được làm rõ thêm. Ở góc độ khác, Gs Nguyễn Đăng Dung cho rằng, cần chú trọng đến nhận thức của người đứng đầu Tòa án trong cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính tư pháp nói riêng.

Công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của Tòa án cũng được đề cập tới như là một trong những giải pháp bảo đảm tính độc lập của Tòa án. Theo đó, hoạt động này cần được thay đổi về phương pháp thực hiện. Phương pháp hiện nay chỉ là giám sát bên ngoài, mang tính báo cáo một chiều từ cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát… HĐND địa phương nên tạo điều kiện để đại diện Đoàn hội thẩm địa phương báo cáo tình hình giám sát hoạt động xét xử trong công tác hội thẩm. Nếu phát huy được vai trò giám sát của hội thẩm đối với hoạt động của Tòa án, thì tình trạng không tôn trọng vai trò của hội thẩm và thỉnh thị án…  sẽ được hạn chế.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân