Điện hạt nhân: Lấy ý kiến nhân dân như thế nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Năng lượng nguyên tử nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 để chỉnh lý dự thảo Luật.

Trước đa số ý kiến về tính cần thiết phải có sự đồng thuận của nhân dân đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói, nên lấy ý kiến nhân dân thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nơi xây dựng nhà máy, thay vì thông qua ủy ban nhân dân như quy định cũ của dự thảo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về những khó khăn có thể xảy ra khi người dân chưa hiểu hết những vấn đề an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân. “Nếu hỏi người dân rằng họ có đồng ý cho xây nhà máy ở gần nơi họ sinh sống không thì chắc chắn số đông sẽ nói không”, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói. 

Theo ông Thi, việc lấy ý kiến ở đây có nghĩa là chỉ xin ý kiến nhân dân về những vấn đề mà họ quan tâm nhất, như các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa – giáo dục, phúc lợi xã hội, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong cùng nhiều thành viên khác của UBTVQH khẳng định nhu cầu bức thiết của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt hiện nay.

UBTVQH cũng thảo luận về Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Theo dự thảo Luật, tổ chức và hoạt động của hai hội đồng này sẽ do Thủ tướng quy định. 

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ mở đường cho sự ra đời của nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020 tại Việt Nam.

Nguồn: VNN