Diện mạo doanh nghiệp Việt sau một năm hội nhập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những lo ngại cho năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp (DN) trong nước dưới áp lực hội nhập toàn cầu cuối cùng đã được giải toả. Ngay năm đầu gia nhập WTO, DN VN đã thể hiện được bản lĩnh, khả năng đủ sức chống đỡ với thách thức- đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc.

Kinh doanh “bài bản” hơn

+ Ông nhận định ra sao về sựtrưởng thành của DN VN sau một năm hội nhập WTO?

– Rõ ràng năng lực cạnh tranh của các DN đã được cải thiện, DN đã trưởng thành hơn. Đây không chỉ là nỗ lực riêng của DN trong năm 2007 mà là sự chuẩn bị của nhiều năm trước. Các DN đã chú ý tới việc kinh doanh một cách bài bản hơn, đã cố gắng xác lập chiến lược kinh doanh trong hội nhập. Đồng thời có sự tích tụ nhất định về các nguồn lực tài chính, nhân lực cho phát triển.

+ Tuy nhiên, những tác động trái chiều từ hội nhập có thể thấy rõ: lạm phát, cơ sở hạ tầng quá tải… đã gây sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp trong năm qua, thưa ông?

– Chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn trong xử lý kinh tế vĩ mô. Kiềm chế lạm phát là điều mà DN rất quan tâm. Chỉ có trên nền kinh tế vĩ mô ổn định thì DN mới yên tâm kinh doanh.

Nỗ lực cải cách hành chính- theo điều tra của VCCI- đang có chuyển biến mạnh mẽ từ các địa phương. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn chậm trễ như: đất đai, mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, đầu tư cho xây dựng cơ bản… Nếu tháo gỡ được thì sẽ là một trong động lực quan trọng để các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

“DN cần hiến kế cho Chính phủ khắc phục điểm yếu về: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có trình độ cao và hạn chế trong thủ tục hành chính…”

+ Một số DN sau một năm hội nhập ít nhiều vẫn chưa thật hài lòng với sự điều hành của cấp quản lý. Đâu đó vẫn còn những lời phàn nàn về sự chậm trễ trong xúc tiến thương mại, đầu tư, vướng mắc của các thủ tục hành chính trong kinh doanh… Ông nghĩ sao về điều này?

– Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho DN.

Đối với một số vấn đề cụ thể, DN chưa hài lòng. Đó là đương nhiên thôi. Sự đổi mới cần một lộ trình vừa với sức vươn lên của bộ máy nhà nước cũng như bản thân DN. Hội nhập không phải hôm nay, ngày mai mà nền kinh tế chuyển biến ngay được. Các nước cũng đều thế cả, đều cần một quá trình. Quan trọng là Chính phủ và DN đều cùng cố gắng nỗ lực, có trách nhiệm cộng đồng, cùng hợp tác chặt chẽ trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách.

Chuyển hướng đầu tư cho các địa phương và hiệp hội

+ Về phía VCCI sẽ có cơ chế tạo điều kiện cho DN tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu như thế nào trong những năm tiếp theo, thưa ông?

Hiện nay, trong chủ trương chung, VCCI có hai hướng đi quan trọng: Thứ nhất là hướng mạnh về các địa phương, cơ sở, giúp cơ sở có thể cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh của họ.

Ba năm qua, VCCI đã triển khai nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chỉ số, nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ ra điểm hạn chế, thiếu sót để các địa phương nhìn rõ mình hơn, cùng trao đổi kinh nghiệm học hỏi các nơi.

Hiện nay, trong phân cấp của Chính phủ, cấp địa phương càng có vai trò quan trọng hơn trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề của DN. Cải thiện năng lực điều hành kinh tế của đại phương vì vậy trở thành yêu cầu quan trọng nhất. Khi cải thiện ở cấp thực thi địa phương thì vai trò chủ động rất cao thuộc về chính quyền địa phương.

Hướng thứ hai là đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các hiệp hội theo chương trình hỗ trợ hội nhập, xúc tiến ở tầm quốc gia.

+ Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc