Điều chỉnh tăng giá xăng dầu và hiệu ứng dây chuyền của thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp báo, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã nhận định: “Với mức giá xăng dầu tăng cao như lần này, thì tác động đến giá các mặt hàng khác là tất yếu và đây có thể là nguyên nhân khiến giá cả cuối năm tăng mạnh hơn”. Các doanh nghiệp (DN) cũng đã bắt đầu rục rịch lên kế hoạch tăng giá sản phẩm.

Các mặt hàng thiết yếu chịu sức ép

Theo Bộ Tài chính, với giá xăng dầu như hiện nay, các nhóm ngành hàng sẽ chịu tác động đến giá thành ở mức độ khác nhau, thấp nhất là từ 0,11% đến 10%. Cụ thể, điện tăng 5,6%; than: 2,2%; thép: 1,07%; xi măng: 1,82%, nhóm dịch vụ vận tải tăng khá mạnh: 3,83- 5,8%; lương thực- thực phẩm: 0,11- 1,51%; đặc biệt, vận tải đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng nhiều nhất: 10,8%. Hầu hết các nhà sản xuất cho rằng, mức độ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm có thể lớn hơn. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, dầu mazut có mức tăng giá cao nhất, thêm 2.500 đồng/kg, nhiên liệu chủ yếu trong sản xuất thép là dầu mazut, do vậy sẽ khiến giá thành sản xuất thép tăng lên khoảng 30.600 đồng/tấn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng sẽ khiến chi phí vận chuyển của mặt hàng này tăng thêm khoảng 4-5% giá bán. Theo ông Cường, hiện nay giá thép xuất xưởng trung bình khoảng 11 triệu đồng/tấn (chưa có thuế GTGT), việc DN tiếp tục tăng giá bán thép là điều không thể tránh khỏi và giá sẽ tăng tương đương với mức tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, hiệp hội đưa ra khuyến cáo các DN thép nên tăng giá từ từ, tránh gây đột biến cho thị trường.

Đối với xi măng, ông Vũ Văn Hiệp- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VNCC) – cho biết: Tổng công ty chưa có kế hoạch tăng giá bán xi măng để tránh ảnh hưởng đến thị trường (hiện giá xi măng trung bình khoảng 700.000 đồng/tấn). Nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều DN xi măng thuộc VNCC, lợi nhuận sẽ giảm đáng kể, đặc biệt là lợi nhuận của Công ty xi măng Hà Tiên 2 trong năm 2007 sẽ giảm hàng chục tỉ đồng, vì trên 70% nhiên liệu sản xuất của DN này là dầu mazut. Tuy nhiên, nhiều đầu mối lớn phân phối xi măng lại đưa ra cảnh báo, việc tăng giá xi măng trong thời gian tới là khó tránh khỏi, vì “kinh nghiệm” nhiều năm cho thấy, mặc dù VNCC không tăng giá bán, nhưng trước việc giá nhiên liệu tăng, các DN xi măng sẽ cắt giảm chiết khấu đối với các nhà phân phối. Do vậy, các nhà phân phối sẽ phải tăng giá bán xi măng bằng nhiều hình thức để bù vào.

Dịch vụ vận tải dao động

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: “Giá xăng dầu đợt này tăng khoảng 20% so với mức giá trước đó, nghĩa là sẽ làm tăng 10% chi phí nhiên liệu đối với dịch vụ vận tải. Đó là chưa kể, xăng, dầu tăng giá còn đẩy giá các loại phụ tùng, dịch vụ liên quan tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải bằng ô tô. Đợt tăng giá này khá đột ngột, lại tăng với mức khá cao, nên sẽ tác động lớn đến giá cước vận tải”. Cùng nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình phân tích: Hiện tại, trung bình 100 km các loại xe taxi tiêu hao hết 12 lít xăng. Để bù đắp khoản tăng này, các hãng phải tăng tối thiểu 500 đồng/km. Điều đáng nói là khi xăng tăng giá sẽ kéo rất nhiều chi phí tăng theo, nên nếu chỉ tăng thêm 500 đồng/km, thì các DN sẽ bị lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hiền – Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng: Hiện tại nhiều DN taxi lớn chưa có kế hoạch tăng giá. Thông thường khoảng 2 tháng sau, kể từ thời điểm điều chỉnh giá nhiên liệu, các DN taxi sau khi “nghe ngóng” tín hiệu từ thị trường mới quyết định tăng giá nhưng sẽ không gây “sốc” cho người sử dụng. Riêng các DN nhỏ có thể phải tăng giá ngay vì không có khả năng gánh lỗ trong thời gian dài.

Lo lắng nhất là khối vận tải biển, bởi vì hầu hết các công ty đã ký hợp đồng vận chuyển đến hết năm 2007, vì thế từ nay đến cuối năm không còn cơ hội tăng giá cước, nhiều DN sẽ phải chịu lỗ!

Theo ông Đỗ Quốc Bình, việc tăng giá cước chắc chắn xảy ra, tuy nhiên, sẽ không có chuyện tự tiện tăng giá quá cao, bởi các phần chi phí tăng thêm do việc tăng giá xăng hoàn toàn có thể tính toán được. Hơn nữa, nếu làm như vậy DN sẽ tự hại mình, vì người tiêu dùng có thể không sử dụng dịch vụ. Hiệp hội Taxi Hà Nội khuyến cáo, các DN cân nhắc kỹ phương án tăng giá để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích khách hàng và DN.

CPI có khả năng vượt 9%

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu lần này báo trước một làn sóng tăng giá tiêu dùng mới và thời điểm bị tác động nhiều nhất là dịp Tết Nguyên đán – thời điểm vốn nhạy cảm nhất với chuyện tăng giá. Dự đoán, giá hàng hóa trong dịp Tết sẽ tăng từ 10-20%, ngoài nguyên nhân do các nguyên liệu đều tăng, còn do hiệu ứng của giá nhiên liệu tăng cao.

Việc tăng giá xăng, dầu lần này sẽ tác động đến giá tiêu dùng trong cả nước, khiến CPI có thể tăng thêm 0,34%. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khả năng CPI năm nay sẽ “qua mặt” chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP có thể xảy ra. TS Võ Trí Thành, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước khi có quyết định tăng giá xăng dầu, việc kiềm chế CPI đã quá chật vật đối với các cơ quan chức năng. Giờ đây, với mức tăng giá xăng dầu từ 15% – 20%, việc kiềm chế giá tiêu dùng dưới mức tăng trưởng kinh tế là điều không thể thực hiện được. CPI năm nay nhiều khả năng sẽ vượt qua 9%

Theo Báo Thương mại