Điều kiện kinh doanh lại làm khó doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo về nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP. Hội thảo do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức ngày 31/3 tại TPHCM.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm cho biết, theo quy định của Nghị định 87/2016, các doanh nghiệp phải có đầy đủ máy móc để sản xuất các khâu của mũ bảo hiểm đạt chuẩn khiến doanh nghiệp rất khó đáp ứng.

Ông Lương Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Hùng Hậu cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là khâu sản xuất mút xốp của mũ bảo hiểm, do đầu tư dây chuyền này cần có vốn lớn, diện tích nhà xưởng cũng phải lớn. Nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất vài trăm mũ thì rất lãng phí. Trong khi đó, hiện nay cả nước có nhiều công ty chuyên sản xuất mút xốp có thể đáp ứng cho cả thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, hiện nay các hãng sản xuất xe hơi, máy bay  cũng đều liên kết để sản xuất các linh kiện chứ bản thân các nhà sản xuất này không thể làm hết các công đoạn. Ông Tý kiến nghị nên cho doanh nghiệp liên kết để làm một số công đoạn, miễn sao khi đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, chứ không nhất thiết phải có đủ trang thiết bị mới được sản xuất mũ bảo hiểm.

Ông Tý cũng cho rằng quy định về xử lý mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng hiện nay chưa hợp lý. Đơn cử, nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, gặp cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đang làm công đoạn mút xốp, vỏ nhựa dù biết là giả nhưng không xử phạt được vì theo quy định pháp luật, chỉ khi sản phẩm sản xuất đã thành hình dạng chiếc mũ bảo hiểm thì mới có cơ sở pháp lý để xử phạt. Do vậy, ông Tý đề nghị Nhà nước cần bổ sung quy định để xử phạt những trường hợp này, nếu phát hiện vi phạm phải xử phạt ngay từ đầu chứ không để làm ra mũ rồi mới xử phạt.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xem xét ban hành tiêu chuẩn riêng đối với khâu sản xuất mút xốp để doanh nghiệp có căn cứ để sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn.

Ông Hùng gợi ý các doanh nghiệp không nhất thiết phải sản xuất tất cả các công đoạn mà có thể đặt các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn. Có thể làm như cách mà hãng Honda đang làm hiện nay là họ đặt các cơ sở sản xuất rồi mang tên của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.

Lê Anh
Theo TBKTSG