Điều kiện kinh doanh “oanh tạc” DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo quy định của Nghị định 86/2014, để được cấp phù hiệu, DN phải có giấy phép kinh doanh vận tải. 

DN “khóc dở, mếu dở”

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh, phản ánh, công ty có 2 xe tải có tải trọng 4.750 kg; 2 xe có tải trọng 4.900 kg để chở hàng hóa của công ty giao cho các nhà phân phối. Nhằm thực hiện theo quy định của pháp luật, công ty đã đến Sở Giao thông Vận tải TP HCM nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu cho 4 xe, nhưng Sở Giao thông Vận tải TP HCM yêu cầu công ty phải bổ sung ngành nghề vận tải hàng hóa bằng ô tô vào giấy đăng ký kinh doanh, sau đó mới nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, khi có giấy phép kinh doanh doanh vận tải bằng ô tô mới nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu xe. Trong khi Công ty chỉ hoạt động về lĩnh vực sản xuất nước giải khát, xe của công ty chở hàng hóa giao khách hàng của công ty chứ công ty không kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ông Hiến cho rằng, theo Nghị định 86/2014, các DN muốn xin phù hiệu thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Muốn xin giấy phép kinh doanh vận tải thì trong giấy đăng ký kinh doanh phải có mã ngành kinh doanh vận tải. Nếu đòi hỏi phải có mã kinh doanh vận tải rồi mới cấp giấy thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn cũng lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở” tương tự khi đi đăng ký kinh doanh vận tải nhằm chuyên chở hàng hóa. Đăng ký thì không được, xin cấp phù hiệu vận chuyển hàng hóa không xong nhưng lại bị phạt nặng.

Đơn cử, từ đầu năm 2016, 50 xe tải của các công ty thành viên Tập đoàn Dầu khí Total và Tập đoàn Dầu khí Petronas liên tục bị cảnh sát giao thông nhiều địa phương dừng xe và kiểm tra việc dán tem phù hiệu trên các xe chở xăng dầu, khí hóa lỏng. Một số xe sau kiểm tra được cho đi, một số xe ở những nơi khác lại không được đi cho dù các xe chuyên chở hàng này đã xuất trình giấy tờ và giải thích là không thuộc trường hợp kinh doanh vận tải. Thậm chí có một số trường hợp tài xế bị tạm giữ giấy đăng kiểm phương tiện và lập biên bản với lý do “không chấp hành đúng quy định hoạt động kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”, theo Nghị định 86/2014.

Chờ sửa đổi

Sở dĩ có câu chuyện trên là do Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bao hàm cả “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”: “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh thực hiện công đoạn vận tải nhưng đồng thời cũng thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”.

Như vậy, hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất, trong đó có doanh nghiệp 100% vốn FDI, tuy không phải là hoạt động kinh doanh vận tải thông thường, vẫn phải đăng ký và xin cấp phép.

Tuy nhiên, theo cam kết WTO của Việt Nam thì không cấp phép dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Một quy định khác là các loại xe chuyên chở trên 10 tấn phải có phù hiệu, song không có giấy phép kinh doanh vận tải thì cũng không xin được phù hiệu.

Trước quy định trên, thực tế, một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cung ứng nhựa đường, nhũ tương cho các công trình giao thông đã thành lập liên doanh vận tải nhằm xin cấp phép. Nhưng các doanh nghiệp dầu khí thì không thể làm như vậy vì với quy trình quản lý các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp, đặc biệt các tiêu chuẩn an toàn, họ không dễ bắt tay với các cổ đông trong nước. Với Tập đoàn Petronas (Malaysia) chẳng hạn, họ chỉ muốn duy trì “độc quyền” đội xe giao hàng riêng để không bị phụ thuộc vào nhà thầu hoặc cổ đông trong liên doanh.

Ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trước sự phát triển ngày càng cao của xã hội, nhiều vấn đề quy định tại Nghị định 86/2014 không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng ta phải thừa nhận, nhiều khi sự phát triển của xã hội nhanh hơn các quy định tại các văn bản pháp luật. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ GTVT sơ kết việc thực hiện Nghị định 86. Từ thực tiễn đưa ra giải pháp để xử lý, sửa đổi những vấn đề mà xã hội quan tâm. Trên cơ sở kết quả đánh giá, sơ kết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, sát với thực tế cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Đẻ ra nhiều giấy phép con

Nghị định số 86/2014 của Chính phủ, đặc biệt là Thông tư 63 của Bộ GTVT yêu cầu ôtô kinh doanh vận tải có trọng tải từ 3,5 đến dưới 7 tấn phải gắn phù hiệu lưu hành, nếu không sẽ bị phạt. Vô hình trung muốn được cấp phù hiệu, doanh nghiệp phải đăng ký bổ sung kinh doanh ngành vận tải hàng hóa bằng ôtô. Thế là bỗng dưng doanh nghiệp có thêm ngành kinh doanh mới. Cách làm này vô tình “đẻ ra” nhiều giấy phép con. Chưa kể có xe chưa hết hạn nhưng phải đi đăng kiểm lại, tốn kém chi phí không cần thiết.

Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ:Thay đổi quy định cho phù hợp thực tế

Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ Việt Nam cần hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện với trường hợp cấp GPKD vận tải đối với trường hợp doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đề nghị thay đổi quy định Khoản 4, Điều 13 của Nghị định số 86/2014NĐ-CP đối với người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên môn ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 3 năm trở lên. Theo Nghị định 86 thì đối với loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa thì không cần nhân viên phục vụ trên xe là phù hợp.

N.Việt, M.Thanh ghi

Nguyễn Việt
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp