Định danh tập đoàn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ không đủ điều kiện để sử dụng cụm từ “tập đoàn” trong tên doanh nghiệp (DN), nếu đề xuất về tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự thảo được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông qua. Lý do là, dù Minh Phú đang nắm giữ trên 90% vốn tại 9 công ty thành viên, nghĩa là vượt tiêu chuẩn về sở hữu vốn điều lệ của các công ty khác, nhưng quy mô vốn điều lệ sẽ cản trở DN này có được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để sử dụng tên gọi tập đoàn trong tên DN.

Phải nói thêm, đây là hai trong nhóm tiêu chí đặt tên tập đoàn, làm cơ sở cho các công ty có quy mô lớn, hoạt động liên kết với nhiều công ty khác dưới hình thức công ty mẹ – công ty con, tạo thành tổ hợp các DN. Các tiêu chí còn lại mà DN phải đáp ứng khi muốn sử dụng cụm từ “tập đoàn” để cấu thành tên DN gồm: là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần và phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lại ủng hộ dự thảo này, vì cho rằng, cần có một nguyên tắc thống nhất cho việc hình thành các tập đoàn, tránh tình trạng lạm dụng cụm từ này, tác động không hay tới bản chất của mô hình tập đoàn. “Chúng tôi đang chuẩn bị nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đây là mục tiêu được xác định trước trong phát triển của chúng tôi, song phải nói trước thực tế là, cần có khoảng thời gian để các doanh nghiệp chuyển đổi, đảm bảo đúng các tiêu chí”, ông Quang đề nghị.

Nếu xét tới con số 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ theo hạn mức mà Dự thảo đưa ra, có thể thấy, không phải là vấn đề quá lớn với các tập đoàn danh tiếng hiện có. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban đổi mới DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, khó khả thi nếu áp dụng tiêu chí này cho DN mới thành lập. “Xác định tiêu chí tập đoàn là cần thiết, vì Luật DN quy định Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, tiêu chí về vốn như dự thảo phù hợp cho giai đoạn đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi tên DN”, ông Trung phân tích và băn khoăn về việc cần điều kiện phải có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Những phân vân này cũng được đưa ra khi phân tích hạn mức vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên cho các DN muốn được gọi là “tổng công ty”. Các tổng công ty này được đề nghị phải có góp vốn ít nhất tại 3 công ty với tỷ lệ góp vốn chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty đó.

Theo Dự thảo, các tiêu chí này được áp dụng cho các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN.

Tập đoàn kinh tế nhà nước (được thí điểm thành lập theo Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và của tổng công ty trong tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty (thuộc đối tượng của Nghị định 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật DN) sẽ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cách đặt tên tập đoàn, tổng công ty

Loại hình DN + tổng công ty/tập đoàn + tên riêng DN; l Tổng công ty/tập đoàn + tên riêng của DN + loại hình DN.

Nguồn: Dự thảo Quyết định về ban hành tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử