DN đã hồi phục nhưng vẫn trong vùng trũng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tín hiệu mừng của DN


Không còn ở tình trạng trì trệ đáng lo ngại như cuối năm 2013, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN 6 tháng qua đã cải thiện và cảm nhận sẽ tiếp tục cải thiện trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. “Đây là tín hiệu mừng của DN”, bà Đoàn Thị Quyên (Viện Phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đã bình luận như vậy khi trình bày báo cáo kết quả khảo sát trên toàn quốc về động thái DN Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014.

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, những phản ánh, đánh giá tình hình và dự cảm của DN trong kết quả khảo sát rất trùng với số liệu thống kê về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014.

Cho dù chỉ số động thái (được tính bằng cách lấy tỷ lệ DN có đánh giá “tình hình tốt lên” trừ đi tỷ lệ DN có đánh giá “tình hình xấu đi”) theo khảo sát thì vẫn âm. Nhưng nhiều yếu tố của tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 được DN cảm nhận là tốt hơn. Lượng đơn đặt hàng 6 tháng đầu năm 2014 tăng lên so với 6 tháng cuối năm 2013. Yếu tố này tiếp tục được dự cảm tăng lên trong 6 tháng cuối năm 2014. Một điều đáng lưu ý giá thành sản xuất 6 tháng cuối năm 2013 do giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao nhưng các DN dự đoán yếu tố này sẽ giảm đi trong những tháng tới.

Kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, tỷ lệ DN có doanh thu đạt dưới 70% kế hoạch chiếm 34,1%, đối với kế hoạch phát triển thị trường tỷ lệ này là 37% và đối với kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận là 33,2%.

Tuy DN cho biết tình hình đã cải thiện và dự cảm rằng 6 tháng tới sẽ tốt hơn, nhưng như bà Quyên nói, mức độ cải thiện ở mức thấp và chỉ số động thái vẫn âm. Cảm nhận chung là DN không còn nằm ở sàn đáy nhưng vẫn trong vùng trũng.

Bà Quyên chỉ ra điểm đáng quan ngại nổi bật là lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm, nhu cầu thị trường trong nước vẫn thấp, khiến DN vẫn canh cánh nỗi lo đầu ra cho sản phẩm. Tiếp đến là giá thành sản phẩm cao do chi phí đầu vào tăng trong khi DN phải bán ra thấp để tiêu thụ hàng. DN đang lo lợi nhuận bình quân của sản phẩm tiếp tục giảm so với cuối năm ngoái.

Giảm lãi suất – rất hiệu quả

Bà Quyên cho rằng, tình hình DN khá hơn một phần quan trọng là do Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, là chính sách giảm lãi suất tín dụng nhận được tỷ lệ cao DN đánh giá “có hiệu quả” và “rất hiệu quả”. Trong khi đó, hầu hết các DN đánh giá mức độ hỗ trợ của một số điều sửa đổi và bổ sung trong Luật Thuế TNDN có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 ở mức bình thường. Có khoảng 20% DN cho rằng, những thay đổi này hỗ trợ rất ít hoặc không hỗ trợ gì, bởi các DN còn đang gặp khó khăn nên lợi ích từ việc giảm thuế suất thuế TNDN còn chưa cao.

Trong kết quả khảo sát, nhiều kiến nghị được DN đề xuất, trong đó nhu cầu các cơ quan Nhà nước tăng cường biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và có chính sách hỗ trợ DN mở thị trường mới. DN cũng đề nghị tăng tốc độ xử lý nợ đọng XDCB, vì theo đánh giá của DN, giải pháp này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc giải quyết nợ đọng phức tạp, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, nên cho DN đang bị Nhà nước nợ XDCB được bù trừ số nợ này với tiền đóng thuế là giải pháp, nếu được chấp nhận, sẽ gỡ khó cho cả 2 phía.

Bên cạnh những đóng góp đó, tỷ lệ DN FDI báo lỗ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thành phần kinh tế. Một trong những nguyên nhân vẫn do hành vi chuyển giá bằng 3 phương thức phổ biến: nâng giá trị tài sản vốn góp, tăng giá yếu tố đầu vào từ công ty mẹ, tăng chi phí quảng cáo. Trao đổi với phóng viên TBNH, lãnh đạo một DN cho rằng, với thực trạng DN FDI đang ngày một phát triển mạnh thì mối lo ngại các DN ngoại chèn DN nội ngày một lớn.Vì thế, 48% số DN được khảo sát kiến nghị Chính phủ nên hoàn thiện các quy định pháp luật để tránh lỗ hổng chuyển giá và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chiếm 7%.

eo NHNN, việc điều chỉnh tỷ giá tăng 1% lần này là để hỗ trợ xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế. Cũng có ý kiến nói rằng, tăng tỷ giá thì DN chịu ảnh hưởng, nhưng theo tôi không ảnh hưởng nhiều tới DN nói chung. Chúng ta đang bàn nhiều đến vấn đề DN cần giảm ảnh hưởng từ Trung Quốc, trong khi lâu nay tỷ giá thực hiện hữu của Việt Nam vẫn cao hơn Trung Quốc, điều này không thuận cho DN xuất khẩu. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp DN xuất khẩu tốt hơn trong điều kiện hiện nay.

TS. Phạm Thị Thu Hằng

Tri Nhân
Nguồn: 
http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-dn-da-hoi-phuc-nhung-van-trong-vung-trung-22137.html