DN khốn khổ vì chở hàng của mình cũng bị coi là kinh doanh vận tải
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước đó, cuối năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã “khóc dở mếu dở” vì phải xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa.

Được biết, Công ty TNHH sản xuất bao bì nhựa Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát) sản xuất sản phẩm bao bì nhựa phục vụ cho ngành thủy sản, nông lâm sản, thực phẩm. Theo yêu cầu của khách hàng trong nước và đối tác nước ngoài ngành thủy hải sản cũng như đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO9001:2015, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn HACCP, đòi hỏi các sản phẩm bao bì nhựa của Công ty Vĩnh Phát phải được vận chuyển kịp thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng phương tiện vận chuyển có thùng kín sạch sẽ, không thôi nhiễm với các loại hóa chất hay mùi của sản phẩm khác. Do đó, Công ty Vĩnh Phát đã trang bị 07 xe ô tô tải (có khối lượng hàng chuyên chở cho phép từ 1,1 tấn đến 3 tấn) loại thùng kín để vận chuyển hàng hóa của Công ty sản xuất giao cho khách hàng. Công ty không nhận chở hàng hóa cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào khác.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp và quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải: “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”; “Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi có từ 05 xe trở lên”, việc Công ty Vĩnh Phát mua ô tô tải để dùng chuyên chở sản phẩm của mình giao cho khách hàng được hiểu là đang hoạt động “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” và với quy định về số xe ô tô của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Công ty phải được cấp “Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Trên thực tế, với những quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT nêu trên, Công ty Vĩnh Phát mặc dù không kinh doanh ngành vận tải ô tô nhưng vẫn trở thành một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thực hiện các quy định này, Công ty Vĩnh Phát phải tiến hành hàng loạt công việc và thủ tục như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phải tốn thêm nhiều nguồn lực về nhân sự, hệ thống quản lý, kinh phí cho công việc kinh doanh vận tải. Hệ quả là tăng thêm chi phí, giảm cơ hội cạnh tranh và không còn động lực dành cho đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị.

Chính vì vậy, Công ty Vĩnh Phát kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh các quy định liên quan cho doanh nghiệp để “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh”, giảm bớt các khó khăn và tốn phí cho doanh nghiệp. Cụ thể Công ty đề nghị:

Thứ nhất, xem xét nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ để đề xuất hủy bỏ quy định về “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”.

Thứ hai, điều chỉnh quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT theo hướng: nếu doanh nghiệp trang bị xe thùng kín thì không thuộc đối tượng của quy định, với xe không thùng kín thì từ 10 xe trở lên mới thuộc đối tượng của quy định.

Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp – khái niệm mới?

Trước đây các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa chỉ áp dụng đối với người chở hàng cho khách thuê, nôm na là làm dịch vụ cho người khác, chứ không áp dụng đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp tự chở hàng của mình. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, đại diện Vụ Vận tải đã phản ánh thực tế có nhiều doanh nghiệp tự trang bị đội xe quy mô lớn, chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải, gây mất an toàn nên cần phải được quản lý, ví dụ như các xe chở khoáng sản, đất đá.

Do đó, Nghị định 86 nói trên đã đưa ra một khái niệm nghe rất lạ tai “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” và giải thích đó là trường hợp cá nhân tổ chức “vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”. ĐIều này có nghĩa, người tự chở hàng hóa của mình cũng được coi là kinh doanh vận tải.

Thông tư 63/2014/TT-BGTVT giới hạn các trường hợp tự chở hàng phải xin giấy phép vận tải bao gồm: (1) phương tiện chở hàng nguy hiểm; (2) phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng; (3) có từ năm xe trở lên; hoặc (4) có xe từ 10 tấn trở lên.

Theo quy định mới này, hàng loạt doanh nghiệp trước đây có đội xe riêng phải đi xin giấy phép kinh doanh vận tải theo lộ trình kéo dài từ năm 2015-2018.

Song Nhi
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp