DN thủy sản: Băn khoăn khi tham gia Cơ chế một cửa quốc gia
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuận lợi làm hồ sơ giấy

Công ty CP XNK Thủy sản An Giang trung bình mỗi ngày XK 6-10 lô hàng sang các thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Australia, EU, Trung Đông… Lúc cao điểm, số hàng xuất đi trong một ngày của DN này lên tới 20 lô. Mỗi lô hàng đều cần một chứng thư đi kèm. Ông Trần Khánh Nhật, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng cho biết: Thông thường, từ khi DN nộp hồ sơ tới Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT)  xin cấp chứng thư cho tới khi có chứng thư khoảng 2 ngày. Nếu cần xin cấp chứng thư cho nhiều lô hàng trong cùng thời điểm, Công ty phải huy động khoảng 5 người cùng làm. Tuy nhiên, do hồ sơ được gửi qua email nên mọi việc cũng khá nhanh chóng, suôn sẻ. Việc nhận chứng thư cũng được DN ký kết hợp đồng với đơn vị giao hàng của Viettel nên không nhiều trở ngại.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, bà Hồ Bảo Trân, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng (Công ty TNHH Hai thành viên 404) cho hay: DN này chuyên XK chả cá vào thị trường Hàn Quốc và cá tra vào thị trường EU, Trung Đông… Tương ứng với số lô hàng XK đi, trung bình mỗi tháng DN này cần xin cấp khoảng 30 chứng thư. Nếu hồ sơ chính xác, đầy đủ, với lô hàng XK đi các thị trường gần, quãng đường ngắn như Hàn Quốc, DN sẽ được cấp sau 1-2 ngày kể từ khi nộp hồ sơ và với lô hàng XK đi các thị trường xa hơn như Trung Đông thì thời gian khoảng 2-3 ngày. Trong quá trình nộp hồ sơ, Công ty cũng gửi email tới Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 và khi có kết quả thì trực tiếp đến nhận hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng của Viettel. “Nói chung, việc cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK theo hồ sơ giấy hiện khá thuận lợi. Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 cũng luôn tạo điều kiện hỗ trợ để giúp DN nhận chứng thư sớm nhất có thể”, bà Trân nhấn mạnh.

Băn khoăn với hồ sơ điện tử

Sau quá trình tham gia tập huấn triển khai NSW vào cuối tháng 12-2015 vừa qua, đại diện nhiều DN đánh giá cao những lợi ích mà NSW đem lại như tiết kiệm thời gian, công sức cho DN. Nếu như làm hồ sơ giấy có DN phải bố trí tới 4-5 nhân viên để hoàn thiện toàn bộ hồ sơ xin cấp chứng thư cho các lô hàng XK trong ngày thì với việc áp dụng theo NSW, số nhân viên cần thiết chỉ còn lại 1 người. Tuy nhiên, các DN bày tỏ lo ngại nhiều yếu tố như hệ thống phần mềm xây dựng còn chưa hoàn thiện, xảy ra lỗi trong quá trình khai báo hồ sơ. Việc khai báo cũng còn tương đối phức tạp.

Dẫn chứng cho việc này, theo ông Trần Khánh Nhật, chỉ riêng thiết kế bảng Excel theo lối hàng ngang đã gây không ít bất tiện cho DN. Bởi, DN đã quen với form hồ sơ khai báo thông thường là nhập thông tin, dữ liệu theo hàng dọc, lăn chuột từ trên xuống dưới. “Bên cạnh đó, tiến hành khai báo hồ sơ giấy, khi cần bổ sung thêm thông tin vào hồ sơ cho chính xác, đầy đủ, DN chỉ cần gửi thông tin bổ sung cho Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 qua email là được cập nhật khá nhanh chóng. Còn khi áp dụng theo NSW, việc này tương đối nan giải”, ông Nhật nói.

Đồng quan điểm với ông Nhật, bà Trân cũng khẳng định, điều làm DN ngại hơn cả khi triển khai NSW chính là khó có thể bổ sung thêm thông tin vào hồ sơ. Bà Trân phân tích, theo quy định hiện hành, DN phải nộp hồ sơ chậm nhất trước khi tàu chạy một ngày. Hiện tại, DN vẫn nộp hồ sơ xin cấp chứng thư đúng thời hạn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có những thông tin chưa đầy đủ hoặc bị thay đổi, ví dụ như số lượng container hàng hóa sẽ XK, tên tàu, ngày giờ tàu chạy… DN cần bổ sung vào hồ sơ cho chính xác. Việc bổ sung hồ sơ này hiện tại được triển khai khá đơn giản. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo NSW, vấn đề này đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng. Theo tinh thần chung, khi DN bổ sung hồ sơ thì coi như DN lại khai lại hồ sơ mới theo mốc thời gian mới chứ không thể bổ sung thêm thông tin vào hồ sơ cũ.

“Các DN rất ủng hộ việc hiện đại hóa để ngày một hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, mọi khía cạnh phải được xem xét kỹ lưỡng nhằm thực sự đem lại lợi cho DN. Riêng trong vấn đề triển khai NSW, DN hy vọng cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn của DN sớm để DN có thể yên tâm tham gia”, bà Trân nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, việc áp dụng NSW nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc giải quyết nhanh chóng hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục thông quan hàng hóa… Tuy nhiên đây là việc làm mới, trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai áp dụng, do vậy rất cần sự phối hợp tích cực từ phía DN và các đơn vị liên quan để từng bước hoàn thiện và thực hiện hiệu quả.

Thanh Nguyễn
Nguồn: Báo điện tử Hải quan