“Đóng”, “mở” thế nào trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Câu chuyện trên thị trường chứng khoán

  Theo số liệu thống kê của Bộ KH-ĐT, tính đến tháng 7/2012, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam là 14.007 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 206 tỷ USD. Tính đến tháng 7/2012, trong số 704 Cty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (308 cty) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (396 cty), đã có 9 cty FDI chuyển đổi theo hình thức cty cổ phần niêm yết, với tổng lượng vốn đăng ký là 4.057 tỷ đồng, chiếm 14 % lượng vốn của DN FDI hoạt động dưới hình thức cty cổ phần (trong đó có 1 cty Full Power – mã FPC đã bị hủy niêm yết).

  Các DN nói trên hiện nay chỉ niêm yết phần cổ phiếu chào bán ra công chúng và tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính là 49% của tổng số cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính là 49% tổng số cổ phiếu của cty đại chúng.

  Như vậy lượng vốn niêm yết của các DN FDI chuyển đổi chỉ chiếm một lượng vốn rất nhỏ so với hàng chục tỷ USD vốn FDI đang hoạt động tại Việt Nam và rõ ràng là tiềm năng của nguồn vốn này còn rất lớn. Hiện nay, quy định pháp luật cho phép chuyển đổi DN FDI sang cty cổ phần đã đơn giản hơn rất nhiều, do đó, DN FDI dễ dàng chuyển sang cty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

  Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN FDI chuyển đổi thành cty cổ phần theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là liên quan tới giới hạn sở hữu 49%.

  Bên cạnh đó, việc các DN FDI dễ dàng chuyển đổi thành cty cổ phần rồi niêm yết trên TTCK dẫn đến một số nguy cơ như nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng việc chuyển đổi để bán bớt cổ phần, chuyển bớt vốn, thậm chỉ chuyển hoàn toàn vốn ra khỏi Việt Nam, báo cáo lỗ giả (thực chất là lãi) trên cơ sở chuyển giá vốn, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước nhà và thiệt hại cho các cổ đông trong nước. Chưa kể, có quá nhiều DN FDI chuyển đổi sang cty cổ phần gây mất cân đối cung cầu trên thị trường chứng khoán.    

Cần hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng

  Nhìn lại 25 năm qua, tính từ thời điểm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành (năm 1987), dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đóng góp của khu vực FDI vào GDP của Việt Nam rất ấn tượng, với tỷ lệ khoảng 18,3%, khá cao so với mức trung bình của thế giới (10,6%). Con số này khẳng định sức ảnh hưởng của khu vực FDI tới nền kinh tế Việt Nam trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy cạnh tranh, hội nhập, đưa Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu…

  Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu thay đổi to lớn. Khác với các giai đoạn trước đây, Việt Nam giờ đã là nước có thu nhập trung bình với năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng đáng kể. Cùng với đó, khu vực DN tư nhân trong nước đã lên tới 600.000 DN vào năm 2011. Trong nhiều lĩnh vực, DN Việt Nam đã ghi dấu ưu thế cạnh tranh nhất định.

  Việc thay đổi định hướng thu hút  vốn đầu tư nước ngoài thế nào, vị trí của vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam giai đoạn tới ra sao… cần phải có những nghiên cứu thấu đáo, những quy hoạch cụ thể, đặc biệt là trong xây dựng chính sách để lựa chọn và tiếp nhận dòng vốn quan trọng này, đảm bảo đúng tín hiệu thị trường và mục tiêu của nền kinh tế.

  HT- NV
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam