Đáng ngại “thành tích” xuất siêu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc họp báo cuối tuần trước về tình hình kinh tế – xã hội, đã thẳng thắn nhìn nhận:“ Con số xuất siêu này là vấn đề đáng quan ngại nhiều hơn phấn khởi”.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 phục hồi chậm, thậm chí có dấu hiệu tiếp tục suy giảm, việc Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011 quả là một thành tích đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu không phải chỉ nhìn vào mặt thành tích mà phải nhìn 2 mặt của vấn đề. Một mặt, khu vực FDI ít bị ảnh hưởng thị trường nên vẫn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mặt khác, dư nợ tín dụng năm 2012 giảm, chỉ đạt trên 6,5% nên nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 chỉ tăng 4,8% so với mục tiêu đặt ra 8,5%, là quá thấp. Trong một nền kinh tế gia công chế biến là chính, việc nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất rất lớn, chẳng hạn dệt may phải nhập tới 90% nguyên liệu, vì vậy doanh nghiệp thu hẹp sản xuất thì nhu cầu nhập khẩu giảm, chứ không phải đã có nguyên liệu nội địa nên giảm nhập khẩu.

Số liệu về xuất nhập khẩu năm 2012 cho thấy khu vực FDI xuất siêu tới 13 tỷ USD (bao gồm cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD. Xuất siêu sẽ tốt trong điều kiện kinh doanh bình thường, còn khi kinh tế khó khăn như hiện nay, đây không phải là niềm vui trọn vẹn.

Bởi cấu trúc của nền kinh tế như vậy, trong điều kiện kinh tế ổn định trở lại, chúng ta sẽ quay lại nhập siêu. Chính vì thế, trong các báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư gửi Chính phủ, bao giờ cũng cảnh báo việc xuất siêu là do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, không nhập nguyên liệu đầu vào, làm nhập khẩu giảm mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế năm tới và những năm tiếp theo.

Chênh lệch giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế đối với khối doanh nghiệp FDI và trong nước cũng đang dẫn tới những mối quan ngại khác. Trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu trong thời gian qua chủ yếu phục vụ doanh nghiệp FDI, khu vực mà máy móc, thiết bị, nguyên – nhiên – vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu, sau đó mới phục vụ cho xuất khẩu.

Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện, hàng dệt may, giày dép… lại mang nặng tính lắp ráp gia công, nên hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng chẳng đáng bao nhiêu. Điều này có thể thấy được qua tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2012.

Có những năm nhập siêu tăng cao song tăng trưởng GDP cũng tăng khá. Nhưng năm 2012, xuất siêu 284 triệu USD thì tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03% – thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Xu hướng nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước năm 2000 là 52,98%, giảm còn 36,93% năm 2012; khu vực FDI tăng lên tương ứng từ 47,02% năm 2000 lên 63,07% năm 2012.

Cơ cấu nhập khẩu cũng có sự thay đổi đáng kể khi khu vực kinh tế trong nước phải “nhường” 24,9% thị phần cho khu vực FDI trong giai đoạn 2000-2012. Điều này dẫn đến một thực tế dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trong ngắn hạn, nhưng ngày càng làm giảm tổng thu nhập quốc gia (GNI) và quá trình chuyển đổi cơ cấu về sở hữu đang âm thầm diễn ra.

Khu vực kinh tế FDI dù có tạo ra được một phần giá trị tăng thêm để tính vào GDP, nhưng không phải toàn bộ số đó người dân Việt Nam được hưởng, mà phần lớn phải chi trả sở hữu cho quốc gia khác.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang hoàn thiện Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI đến năm 2020 theo hướng làm rõ các cơ chế, chính sách gắn với những tiêu chí cụ thể để thúc đẩy thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và giá trị kinh tế – xã hội cao.

Đây là một định hướng đúng đắn, nhưng với những cảnh báo nêu trên, các giải pháp đưa ra cần được tính toán một cách phù hợp, gắn chặt với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính