Doanh nghiệp bia nào cũng có thể bị quy trốn thuế?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, mặc dù, Luật Thuế TTĐB quy định, giá tính thuế TTĐB được tính theo giá bán ra của đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, Nghị định 108 và thông tư 195 thì quy định, giá tính thuế TTĐB được tính theo giá bán ra cuối cùng của Cty phân phối. Giá bán của doanh nghiệp phân phối không được cao hơn giá bán của doanh nghiệp sản xuất 7%. Những quy định như vậy đang làm khó cả doanh nghiệp sản xuất lẫn doanh nghiệp phân phối bia.

Nghị đinh, thông tư “vênh” luật

Cũng vì cách tính thuế của Nghị định 108 và Thông tư 195 “vênh” Luật Thuế TTĐB, doanh nghiệp sản xuất bia phải đợi và biết được doanh nghiệp phân phối bia bán giá nào để lấy căn cứ cho mình tính thuế TTĐB. Ông Lê Hồng Xanh – Phó tổng giám đốc Tcty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, Sabeco là doanh nghiệp 90% cổ phần Nhà nước. Do đó, cách tính thuế nhiều hay ít thì cũng chỉ là Nhà nước bỏ từ túi này sáng túi khác. Nhưng điều quan trọng hơn, quy định như vậy, doanh nghiệp không thể biết mình đã tính đúng, tính đủ chưa để mà nộp thuế?

Trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất bia không chỉ bán cho các cty con của mình mà còn bán cho các doanh nghiệp nằm ngoài Tcty và nằm dải rác trên khắp các tỉnh thành của cả nước. Vậy doanh nghiệp sản xuất bia không thể biết được doanh nghiệp phân phối bán giá nào, hàng hóa tồn kho ít hay nhiều để từ đó làm căn cứ kê khai giá tính thuế TTĐB.

Cách tính thuế TTĐB từ giá bán của nhà phân phối là cách làm không có tính khả thi. Việc doanh nghiệp sản xuất bia “mua đứt, bán đoạn” với các doanh nghiệp phân phối là thực tế đã diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay. Do đó, doanh nghiệp sản xuất không thể kiểm soát được giá bán của doanh nghiệp phân phối.

Không chỉ có doanh nghiệp mà chính cơ quan thuế cũng khó có thể kiểm soát hết được. Chuyên gia về lĩnh vực bia – rượu – nước giải khát Lê Văn Cơ phân tích. Nếu một doanh nghiệp sản xuất bia tại Hà Nội bán cho các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh khác. Cơ quan thuế sẽ phải đến từng doanh nghiệp phân phối để thống kê xem giá bán của họ bao nhiều từ đó mới có thể tính được mức thuế TTĐB của doanh nghiệp sản xuất.

Nhiều người ngoài cuộc thắc mắc, tại sao Bộ Tài chính phải đưa ra mức khống chế giá của doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất bán ra với giá của doanh nghiệp phân phối bán ra?

Giá phân phối không quá 7% giá sản xuất là chưa hợp lý

Theo quy định của Nghị định 108 và Thông tư 195, “giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”. Với quy định như vậy, nhà nước đã khống chế mức chênh lệch giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất và mức bán ra của doanh nghiệp phân phối không được vượt quá 7%.

Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát cho rằng, quy định như vậy là không kích thích thị trường phát triển. Trước khi hai văn bản trên có hiệu lực pháp luật (trước ngày 01/01/2016), mức khống chế này là 10%. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp phân phối bị khống chế giá bán không quá 7% nên rất khó bù đắp chi phí và khiến doanh nghiệp không thể tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Bởi vì, giá bán bia trên thị trường đôi khi còn bị phụ thuộc theo mùa và hàng hóa tồn kho.

Với cách tính thuế TTĐB và mức khống chế như vậy, nên Nghị định 108 và Thông tư 195 vừa có hiệu lực pháp luật đã ngay lập tức gặp sự phản ứng khá gay gắt của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia. Lý giải vì sao lại có quy định khống chế 7%, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trước khi ban hành hai văn bản trên đã có nhiều cuộc gặp gỡ và thương thảo giữa các doanh nghiệp và Bộ Tài chính. doanh nghiệp thì muốn giữ nguyên mức 10%, còn Bộ Tài chính thì muốn mức 5%. Cuối cùng một giải pháp chung hòa là 7% đã được ban hành.

Tuy nhiên, với nhiều người ngoài cuộc thì vẫn thắc mắc, tại sao Bộ Tài chính phải đưa ra mức khống chế giá của doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất bán ra với giá của doanh nghiệp phân phối bán ra? Cách khống chế này rất khó thực hiện và tạo cơ chế quản lý hành chính mệnh lệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

Bà Đặng Thị Bình An – Nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, hiện là GĐ Cty tư vấn thuế cho biết, thực tế đã có trường hợp, doanh nghiệp sản xuất bia lập ra những cty con để trốn thuế. Nếu cách tính thuế TTĐB đúng như Luật Thuế TTĐB thì doanh nghiệp sản xuất sẽ bán cho Cty con của mình với một giá rất thấp để trốn thuế. Cty con phân phối ra thị trường với giá cao và hưởng lợi phần chênh lệch thuế TTĐB từ giá phân phối đó. Đây chính là lo ngại của Bộ Tài chính nên đã đưa ra mức khống chế 7% nói trên. Tuy nhiên, bà An cho rằng, cách làm của Bộ Tài chính như vậy sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý thuế thiếu minh bạch, khó áp dụng. Bộ Tài chính cần tách bạch từng khâu. Khâu sản xuất thì bị tính thuế TTĐB từ giá bán ra của doanh nghiệp đó. Đến phân phối cũng bị tính thuế TTĐB dựa trên giá bán chênh lệch. Cách làm này vừa đúng Luật thuế TTĐB vừa đảm bảo được sự vận hành của doanh nghiệp theo đúng tính chất của thị trường.

Bá Tú
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp