Doanh nghiệp bớt hào hứng với R&D
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những khó khăn về tài chính đang làm giảm tham vọng tạo nên dấu ấn qua hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp Việt.

Tham vọng từ R&D giảm

Thông tin tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có tiến hành R&D vẫn thấp không phải là tin mới. Ông Trần Văn Hoàng (Phòng Kinh tế phát triển, Viện Kinh tế Việt Nam) chắc cũng hiểu thực tế này, nên đã chọn một góc nhìn khác.

“Có vẻ như doanh nghiệp bớt hào hứng với R&D, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có tham vọng tạo ra các dấu ấn trên thị trường thế giới rất thấp và giảm dần, từ 5,2% năm 2014 xuống còn 1,5% năm 2018”, ông Hoàng phân tích.

Số liệu trên dựa trên khảo sát về ứng dụng công nghệ tại doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2020. Ông Hoàng và cộng sự của Viện Kinh tế Việt Nam đang đi tìm cơ sở thực tiễn, thuyết phục cho đề xuất lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn tới.

Ở góc độ vĩ mô, các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam vẫn đang trong quá trình mô phỏng công nghệ. Chính vì vậy, đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp có đầu tư cho R&D có hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn.

Vì vậy, sự bớt hào hứng của doanh nghiệp khiến giới chuyên gia lo ngại, vì điều này được nhìn trong bức tranh tỷ lệ doanh nghiệp có R&D thấp. Năm 2018, chỉ có 4,5% doanh nghiệp nhỏ và vừa và 11,8% doanh nghiệp quy mô lớn được khảo sát có hoạt động R&D. Các hoạt động này cũng tập trung nhiều vào ứng dụng, nghĩa là gắn với cải tiến, giải quyết các vấn đề của hiện tại hơn là những sáng tạo mang tính đột phá.

Nguồn: Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê
Nguồn: Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, điểm đáng mừng là, nguồn lực cho R&D dù bị hạn chế, nhưng dần được cải thiện. Có khoảng 8,5% doanh nghiệp thực hiện thuê ngoài và 24,8% kết hợp cả thuê ngoài và tự nghiên cứu. Tỷ lệ tự nghiên cứu có xu hướng tăng, từ 62,1% (năm 2014) lên 66,7% (năm 2018).

“Doanh nghiệp đã có nhận thức rằng, R&D là chìa khóa để cải thiện năng lực cạnh tranh, nhưng chưa thực hiện được nhiều”, ông Hoàng nói.

Khó tiếp cận tài chính là lý do hàng đầu

Doanh nghiệp luôn đưa lý do tài chính lên hàng đầu khi lý giải những khó khăn trong R&D. Kết quả điều tra cũng cho thấy rõ như vậy. 86% doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có cho hoạt động R&D. 11% doanh nghiệp phải đi vay tín dụng để đầu tư cho hoạt động này.

“Chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ của Chính phủ. Đây là vấn đề phải bàn, vì hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ nhiều, các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng không ít, nhưng sao doanh nghiệp không tiếp cận được”, ông Hoàng đặt câu hỏi.

Tất nhiên, lý do thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, thiếu các dịch vụ hỗ trợ thực hiện R&D, hoặc thiếu thông tin về các cơ sở nghiên cứu công lập, các phòng thí nghiệm thực hiện R&D và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là rào cản lớn.

Nhưng sự thiếu hụt về tài chính đang khiến các chuyên gia lo ngại đến mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với việc ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, vốn đang rất thấp. Nhóm công nghệ có thể nhắc tới là công nghệ điện toán đám mây, in 3D, robot tiên tiến, cảm biến, ứng dụng dữ liệu lớn… Trong bức tranh công nghệ đang ứng dụng trong doanh nghiệp hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng công nghệ này rất thấp, hay nói chính xác là hầu như chưa chạm đến.

“Chỉ có 4,6% doanh nghiệp đã có chiến lược về việc này, con số quá thấp để nói đến mong muốn thu hẹp khoảng cách, chứ chưa nói đến tiến kịp của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hoàng nhận định.

Đây cũng là điều TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quan tâm. Chỉ trong vòng một năm có Covid-19, tốc độ phát triển của các ngành có ứng dụng công nghệ mới tăng chưa từng có. Chỉ cần phân tích một ví dụ của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) để thấy điều này.

Cụ thể, giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng số giao dịch) năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch. Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng.

“Lúc này, các doanh nghiệp công nghệ cần một cú hích để đi nhanh hơn, còn các doanh nghiệp ứng dụng cần cú hích để hoàn tất quá trình chuyển đổi một cách thực chất. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần phải tính đến yếu tố đặc biệt này”, ông Sang phân tích.