Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 1/1/2014, Luật Thuế thu nhập mới sửa đổi đã có hiệu lực với những điều chỉnh sâu sát hơn phù hợp hoạt động sản xuất – kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng năm trước liền kề sẽ chịu thuế suất 20%. Mức thuế cho ngành nghề khai thác tài nguyên cũng có mức thay đổi tăng lên. Tuy nhiên, để có sự cạnh tranh dòng vốn, dòng đầu tư chảy về Việt Nam thì mức thuế này chưa đủ sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam:

Không thể phát huy tốt nguồn lực khi không biết rõ thời gian bắt đầu và kết thúc những cú huých của chính sách vào doanh nghiệp. Cần lấy mục tiêu xây dựng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cho từng ngành, nghề và lĩnh vực cụ thể để xác định thời gian, liều lượng định hướng, điều tiết của nhà nước.

Để một ngành tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và thời gian, điều này thường được thể hiện trong các văn bản mang tính chiến lược của các quốc gia. Tại Diễn đàn bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2013 được tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách mang tính điều tiết định hướng cho từng cú huých cần phải gắn đầu tư công và ngân sách hàng năm, hàng quý. Do đó, khi xem xét các nội dung này không chỉ nhìn chung là hướng đi tốt mà cần xem xét khả năng hoàn thành các tiêu chí cho lộ trình. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, không thể dàn trải sự hỗ trợ của Chính phủ mà chỉ có thể tập trung trọng tâm trọng điểm vào những ngành nghề, mặt hàng có lợi thế cạnh tranh quốc gia mới làm cho doanh nghiệp tự tin, có cơ sở khi đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – bày tỏ mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%. “Cần duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách tập trung sang thuế đánh vào tiêu dùng (VAT), thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt. Và phải làm sao để thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ quan trọng trong điều tiết thị trường tiêu dùng”- ông Sơn nói.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của nhà nước, doanh nghiệp cần phải chủ động “cứu mình” bằng những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú huých từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.

Hoa Quỳnh
Nguồn: Báo Công thương