Doanh nghiệp cần chủ động tìm lối đi thông minh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cung cấp nhiều việc làm và có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế hộ ở nước ta, nhưng 60% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Đây cũng là khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh nhất từ các khó khăn về chi phí sản xuất, vốn vay và thị trường tiêu thụ. Đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp không đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao với năm 2013 do tình hình kinh tế trong nước và thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.

Nhưng theo Giám đốc chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) Rosana Mirkovic, tại nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Và nhìn chung, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại được sau 5 năm hoạt động thường chỉ xấp xỉ 50% tổng số doanh nghiệp được thành lập. Trong khi đó, đây là cũng là lực lượng doanh nghiệp quan trọng đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới, vì đóng góp 50% sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân và 63% việc làm. Hơn nữa, do đội ngũ này gắn bó với các cộng đồng địa phương, theo đuổi những mục đích phi tài chính nên cũng có tác động tích cực đối với cộng đồng dân cư, nhất là tác động giúp thoát nghèo cho hộ gia đình tại một số quốc gia. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được coi là người đổi mới trên thế giới vì thường đầu tư mạo hiểm, trong khi không có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện kế hoạch.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Phó tổng Giám đốc công ty Deloitte Việt Nam Thái Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp không nên ngồi chờ chính sách hay trợ giúp từ bên ngoài mà phải biết chủ động tìm ra giải pháp tồn tại cho mình. Một trong những giải pháp quan trọng là cần nhận biết những rủi ro của mình để chủ động ứng phó khi lựa chọn hình thức kinh doanh, sản xuất. Bởi rõ ràng doanh nghiệp không thể loại trừ mọi rủi ro đến với mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, những rủi ro như kinh tế vĩ mô bất ổn hay khủng hoảng kinh tế cần được doanh nghiệp bình tĩnh đón nhận. Theo bà Thái Thanh Hải, thay vì thái độ bi quan, doanh nghiệp nên xác định được rủi ro nào chấp nhận được và khả năng thích ứng của mình. Nói cách khác, khó khăn không phải là ngõ cụt với doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giảm giá sản phẩm, cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại tài chính… cũng không phải là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp khi đứng trước khó khăn. Điều quan trọng là cần có giải pháp để tăng cường năng lực của mỗi bộ phận. Mặt khác, khi một thị trường hay phân khúc thị trường không thể khai thác được cũng sẽ trở thành động lực để thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân tìm cách xây dựng thị trường mới; đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện sáp nhập, hình thành các liên minh… Và bên cạnh kỹ năng chấp nhận rủi ro, bà Thái Thanh Hải cũng đưa ra 9 kỹ năng khác để quản trị rủi ro thông minh có doanh nghiệp. Đó là kỹ năng kiểm tra các giả định ngay từ đầu; duy trì sự cẩn trọng thường xuyên; yếu tố về xu hướng và sự thay đổi; quản trị các kết nối then chốt; lường trước các nguyên nhân thất bại; xác thực thông tin; duy trì một biên độ an toàn; đặt ra các mục tiêu dài hạn và cân bằng giữa lợi ích dài hạn và ngắn hạn; duy trì kỷ luật lao động.

Nhưng có thể thấy, trên thực tế, những can thiệp vĩ mô của Nhà nước thường có tác động rõ rệt và nhanh nhất đối với doanh nghiệp nói chung, nhất là loại hình doanh nghiệp này. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó khăn hơn doanh nghiệp lớn khi thực hiện vay vốn, xúc tiến thương mại, tiếp cận các hình thức hỗ trợ… Đây cũng là loại hình doanh nghiệp thường khó kêu gọi đầu tư hơn do tài sản thế chấp không có giá trị cao, khó dự đoán mức tăng trưởng. Trong khi đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện phân tán, thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, gây lãng phí nguồn lực lớn trong khi hiệu quả lại chưa cao.

Hải Thanh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân