Doanh nghiệp cần ‘khám bệnh" định kỳ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo tiến sĩ Mike Teng, một doanh nghiệp cũng hệt như cơ thể một con người, vì vậy, khi “sức khỏe doanh nghiệp bị suy yếu”, người chủ công ty cần phải có những phương pháp khám, chữa bệnh kịp thời.

Hãy tìm bác sĩ tư vấn

Ông Mike Teng chia sẻ, nhiều công ty khi mời ông tới khám bệnh đều đã ở trong tình trạng “hấp hối” và không có khả năng cứu chữa. Thường trực trong suy nghĩ của những ông chủ các doanh nghiệp luôn là ý nghĩ “mình có thể độc lập xử lý mọi việc”. Khi sự cố xảy ra, họ không có thói quen tìm đến các giáo sư, nhà tư vấn để được chữa trị kịp thời. Chỉ khi vấn đề gần như không thể giải quyết, các doanh nghiệp này mới lên tiếng kêu cứu nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Như vậy việc lập kế hoạch và tìm một nhà tư vấn, bác sĩ sức khỏe cho doanh nghiệp ngay từ đầu là việc làm hết sức cần thiết. Bác sĩ tư vấn sẽ cho bạn biết tình hình sức khỏe của doanh nghiệp bạn đang ở mức nào, khi nào thì bị ốm, khi nào cần chữa trị, chữa trị ra sao… Vào các đợt thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ cho bạn biết doanh nghiệp của mình có cần phải bổ sung những loại thuốc gì là phù hợp để khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng đội ngũ bác sĩ tư vấn lại chưa xuất hiện nhiều tại Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ – đơn vị rất cần thường xuyên thăm khám và chữa trị. Tiến sĩ Mike Teng chỉ ra rằng việc đầu tiên mà các doanh nghiệp cần phải làm đó là phòng bị. Nếu ở một khu vực nào đó xảy ra khủng hoảng, nhiều công ty phá sản thì người chủ doanh nghiệp không nên chủ quan mà phải ngay lập tức tìm ra các phương pháp phòng bị cho mình để sẵn sàng đối phó. Có thể tình trạng khủng hoảng sẽ không xảy ra với doanh nghiệp mình, nhưng đó sẽ là một bài học quý giá để chúng ta phát triển ổn định và không bị động trước mọi hoàn cảnh.

Các căn bệnh thương gặp

Thăm khám, phẫu thuật và điều trị các loại căn bệnh cho doanh nghiệp nhiều năm, tiến sĩ Mike Teng chỉ ra rằng những vấn đề về nội tại chính là căn bệnh giết chết doanh nghiệp nhanh nhất và hay gặp nhất. Căn bệnh này có thể xuất phát từ nguyên do người quản lý quá ngạo mạn, cầu toàn, không đủ trình độ, ngại thay đổi trước yêu cầu của công việc… Cũng có thể nguồn gốc của căn bệnh xuất phát từ đội ngũ nhân viên chất lượng kém… “Một khi căn bệnh loại này trở nên nặng, thì chỉ có cách là thay đổi bộ máy quản lý”, ông Teng cho biết.

Đối với các loại bệnh do các yếu tố bên ngoài tác động như nền kinh tế bất ổn, lạm phát cao, môi trường bị ảnh hưởng… thì phương pháp điều trị lúc này lại phải sử dụng đến sự linh hoạt của các doanh nghiệp. Người châu Á vốn hay tin vào hệ tự miễn dịch có thể mang lại sức khỏe tốt cho con người. Chính vì vậy họ thường xuyên ăn các loại đồ ăn bổ dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Đối với các doanh nghiệp thì văn hóa doanh nghiệp chính là hệ miễn dịch tốt nhất giúp cho đơn vị đó đi qua khủng hoảng một cách nhẹ nhàng, tránh được các tác động từ môi trường bên ngoài. Điều mà một ông chủ doanh nghiệp cần phải làm là phải tạo dựng cho mình một môi trường làm việc thân thiện, tạo mọi điều kiện hỗ trợ công việc cho nhân viên để khi có khó khăn họ không bỏ ta mà đi, sẽ cùng ta gánh vác những khó khăn và đi qua nó. Sự uyển chuyển, sáng tạo và nhạy bén trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là bài học số một mà các doanh nhân cần biết đến trước khi muốn mở rộng bờ cõi doanh nghiệp mình.

Loại bệnh thứ 3 xuất phát từ sự cạnh tranh của các đối thủ. Căn bệnh này sẽ giết chết một công ty từ từ và có tính chất ảnh hưởng lâu dài về mặt vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp. Tiến sĩ Teng cho biết một thời gian trước đây, những nhà máy ở Singapore luôn tự cho rằng mình nắm trong tay tất cả nguồn lao động sáng giá nhất, nhưng rồi chỉ một thời gian sau đó các nhà máy của Malaysia đã hút hết việc từ Singapore. Và rồi về sau, chính Malaysia đã bị các nhà máy của Trung Quốc hút hết lao động. Điều này cho thấy sự chủ quan trong kinh doanh sẽ bị chính đổi thủ của mình cướp đi niêu cơm. Phương pháp điều trị đối với căn bệnh này là phải thường xuyên cảnh giác và khiêm nhường. Không để đổi thủ lấn át mình nhưng tuyệt đối không được tìm cách triệt tiêu đối thủ vì đó là con đường ngắn nhất đưa doanh nghiệp đến cái chết do cắt đi động lực phát triển.

Để yếu thành mạnh

Sau khi điều trị, lúc này nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải phục hồi lại sức khỏe cho công ty của mình. Liều thuốc đầu tiên cần sử dụng là phải tìm cách củng cố lại đội ngũ nhân sự, bồi bổ tinh thần cho nhân viên. Việc kích hoạt nguồn năng lượng tiềm ẩn trong mỗi thành viên là một cơ sở vững chắc để công ty tồn tại. Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao các công ty thường chỉ tồn tại nhiều cũng chỉ vài trăm năm trong khi các đạo giáo đã tồn tại hàng ngàn năm không hề bị mất đi”, tiến sĩ Teng cho rằng đó là do vấn đề về tâm linh, khơi dậy niềm tin và năng lượng nội tại của mỗi con người. Phong thái nhà lãnh đạo đóng vai trò tiên quyết trong giai đoạn này. Ông khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đặt công việc lãnh đạo tinh thần lên vị trí hàng đầu, tương đương với việc kiếm ra tiền của họ. Các công ty nhỏ nếu biết khám phá sức mạnh tiềm ẩn trong bản thân mình sẽ mạnh mẽ hơn và vươn xa hơn.

Ở những công ty nhỏ, các lãnh đạo thường độc quyền trong việc điều hành quản lý. Điều này sẽ cản trở sự phát triển công ty. Muốn trở nên mạnh hơn thì nhà lãnh đạo công ty cần phải lập kế hoạch cho những người sẽ kế tiếp công việc của mình. Và phương án được tiến sĩ Teng đưa ra ở đây phải tìm những người có những phẩm chất, tư duy mà CEO cũ còn thiếu để bổ sung cho nhau, phát triển đa dạng hơn. Nhiều công ty theo kiểu gia đình trị sau trở nên lớn mạnh nhưng theo tính chất cha truyền con nối, người tiếp theo kế nghiệp trong gia đình thường không đạt hiệu quả bằng cha anh họ nhưng lại không muốn tìm người ngoài thay thế. Điều này nếu không thay đổi tư duy thì sớm muộn công ty đó cũng sụp đổ.

Trong hoạt động kinh doanh, các công ty nhỏ muốn có chỗ đứng và chiếm lĩnh thị trường, tiến sĩ Teng khuyến cáo cần phải tiếp cận vào những thị trường ngách. Cần nghiên cứu xem những thị trường nhỏ này cần gì một cách cụ thể và đầu tư vào nó. Khi tiếp cận với khách hàng, ông Mike Teng khuyên doanh nghiệp không nên định vị mình là người bán hàng mà hãy định vị mình là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Những kết quả nghiên cứu của ông cho thấy, nghe một chuyên gia nói chuyện bao giờ thông tin cũng dễ được tiếp cận và thuyết phục khách hàng hơn là người bán hàng truyền tải.

Và cuối cùng, vị bác sĩ doanh nghiệp này cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng internet để vươn xa hơn. Các công ty nhỏ có lợi thế không chồng chéo về điều hành và quản lý, thủ tục hành chính đơn giản nên việc lập một trang web, đưa thông tin lên mạng internet hoặc điện thoại di động để quảng bá sẽ đơn giản và dễ dàng hơn nhiều các công ty lớn.  

Mike Teng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất về chủ đề Quản trị trong thời kỳ khủng hoảng: Làm thế nào để biến một công ty yếu thành một tập đoàn mạnh?

Ông cũng là tác giả của những cuốn sách về Bí quyết mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Mike Teng cũng nổi tiếng về sử dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp. Các cuốn sách của ông về Cẩm nang hướng dẫn sử dụng internet marketing để cứu doanh nghiệp cũng được các doanh nhân tìm đọc.

  Nguyễn Diệp (ghi)
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp