Doanh nghiệp chế biến thủy sản đói nguyên liệu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước tình trạng khan hiếm nguyên liệu, đa số doanh nghiệp (DN) thủy sản chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đáp ứng hợp đồng với bạn hàng và ổn định sản xuất. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng không dễ dàng vì thủ tục rất phức tạp.

DN Trung Quốc vét sạch hàng

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hàng trăm nhà máy chế biến thủy hải sản dọc theo bờ biển miền Trung đã buộc phải đóng cửa vì tình trạng thiếu nguyên liệu. Thậm chí một số DN đã phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì sản xuất trong hai năm qua. Nhiều tháng nay, các nhà máy chỉ đủ nguyên liệu hoạt động khoảng 50% công suất. Có khi nhà máy buộc phải đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng hoặc giảm sản lượng. Các thương nhân Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh chính, những người đã mua hầu hết nguyên liệu thô của Việt Nam.

Ông Dương Đức Phước, phụ trách nguyên liệu của Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Aqrex SaiGon), cho biết nguồn nguyên liệu tôm để xuất khẩu của DN thiếu trầm trọng. Nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng hầu như không có do đã vào cuối vụ thu hoạch tôm. Còn nguồn nguyên liệu từ khai thác, đánh bắt lại chịu sự tranh mua rất lớn từ phía các DN Trung Quốc. DN Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao cho ngư dân khi tàu vừa cập bến, vơ vét sạch bất kể chất lượng, kích cỡ.

Ông Phước cho biết một nguyên nhân nữa là hiện nay giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực 12.000-14.000 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng muốn mua cũng rất khó. Sản lượng tôm nuôi bị sụt giảm vì dịch bệnh, thời tiết… không chỉ đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chế biến xuất khẩu của các nhà máy. Hiện giá tôm nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao kỷ lục.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành, cho biết DN đang chật vật tìm kiếm nguồn nguyên liệu thủy sản từ khai thác nhưng rất khó khăn để mua được hàng. DN Trung Quốc đã dùng chiêu tranh mua hàng ở các lò hấp, chỉ cần độ ẩm của cá 29%-30% là được, trong khi yêu cầu chất lượng cá DN mua phải đạt độ ẩm 25%. Các lò hấp ham cá được giá, lại rút ngắn thời gian hấp, chi phí thấp… nên họ bán nhanh nguyên liệu cho DN Trung Quốc.

Nhập khẩu: Thủ tục hoàn thuế nặng nề

Ông Dương Đức Phước, Công ty Aqrex SaiGon, cho biết hai tháng cuối năm DN chỉ dám nhập khoảng 50 tấn nguyên liệu mực nang, mực ống từ Mỹ. Các thủ tục thuế khi nhập khẩu nguyên liệu rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, DN phải vay tiền tạm đóng thuế, xuất khẩu xong mới được làm hoàn thuế.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết DN hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến xuất khẩu. Giá nguyên liệu tương đương giá trong nước, chất lượng, kích cỡ đảm bảo. Thế nhưng với quy định hoàn thuế trước 275 ngày, các DN không dám nhập khẩu nhiều nguyên liệu thủy sản vì sợ nợ đọng thuế khi chưa xuất được hàng trước 275 ngày. DN đang nóng lòng đợi sự hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian hoàn thuế từ cơ quan quản lý để nhập khẩu giải quyết khó khăn kịp thời cho DN.

Theo một DN tại miền Trung, một DN cỡ vừa nhưng thuế ghi nợ thường dao động 60-70 tỉ đồng. DN phải chịu lãi suất cao với khoản tiền thuế ứng trước và nếu không đóng kịp, DN sẽ phải chịu kiểm tra 100% lô hàng và những lô hàng sau phải đóng thuế ngay khi nhập khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết thuế nhập khẩu làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá sản phẩm xuất khẩu khiến DN khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hầu hết DN chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay hạch toán đều lỗ, DN nào quản lý kinh doanh tốt mới có thể đạt lợi nhuận khoảng 3%, trong khi nếu phải chịu mức thuế nhập khẩu nguyên liệu 5% thì DN đó sẽ bị rơi vào tình trạng lỗ.

Ông Hòe cho biết VASEP đã đề nghị Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT xem xét cho phép áp dụng thuế nhập khẩu nguyên liệu thống nhất bằng 1% cho các loại nguyên liệu thuộc nhóm gồm tôm sú, tôm chân trắng, tôm biển, bạch tuộc và mực các loại. Bộ NN&PTNT cũng đã nhất trí với đề nghị của VASEP về phương án miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để tăng cường nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Các nhà nhập khẩu thế giới đang chú ý tới Việt Nam

Bài toán nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phải được giải quyết bằng cả hai giải pháp: Nâng cao sản lượng trong nước và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu.

Trong điều kiện các nhà nhập khẩu đang chuyển hướng bỏ Trung Quốc để sang các nước khác thì Việt Nam được xem là một địa chỉ đáng tin cậy. Với năng lực cấp đông trên 2,5 triệu tấn/năm, điều kiện vệ sinh thực phẩm tốt nhất khu vực, công nhân lành nghề… Việt Nam sẽ thu hút được các khách hàng từ các nước mang nguyên liệu vào gia công, đặc biệt là các khách hàng từ châu Âu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

DN cần gắn kết với ngư dân để tạo mối ruột

Nếu cho rằng thiếu nguyên liệu trong nước là do DN Trung Quốc thì cũng chưa đúng. Bởi DN Trung Quốc mua giá cao thì có lợi cho nông dân, miễn sao họ không làm mất uy tín thủy sản nước ta. Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu như hiện nay, DN trong nước cần gắn kết chặt chẽ với ngư dân, thành lập ở mỗi vùng nguyên liệu những nhà cung cấp bền vững làm mối ruột của DN. Đồng thời, DN phải chủ động cam kết uy tín bao tiêu, hỗ trợ giá thì người dân mới hết lòng với mình.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành

Pháp luật TPHCM