Doanh nghiệp chờ những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lãi suất cho vay cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng đã tác động mạnh đến doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong đó, lãi suất cho vay ở mức khoảng 20%/năm, khó tiếp cận đã khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí là không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bởi nhiều doanh nghiệp ở nước ta hoạt động dựa trên vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH DHA May Hà Đông Nguyễn Văn Đô cho biết, doanh nghiệp vẫn duy trì trả lương 3 triệu đồng trở lên/lao động, mỗi ngày cung cấp sang thị trường Mỹ 70 nghìn sản phẩm. Doanh nghiệp ổn định sản xuất trong điều kiện bất lợi hiện nay là do ngay từ khi khởi nghiệp đã không lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng liên kết với đối tác nước ngoài để có thêm vốn cho sản xuất, kinh doanh. Với phương thức này, doanh nghiệp chỉ cần bảo đảm chất lượng đúng với yêu cầu, và thời gian giao hàng thì sẽ được vay vốn không lãi suất từ đối tác nước ngoài. Ngoài ra, tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về độ tuổi lao động, điều kiện lao động và làm việc, lương, bảo hiểm xã hội. Dù vậy, để mở rộng sản xuất và khai thác thị trường nội địa, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm ngân hàng có lãi suất phải chăng, điều kiện không quá khắt khe.

Theo ghi nhận, các doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn, nhưng hiện nay, lãi suất cho vay còn cao, điều kiện vay vốn khó khăn. Doanh nghiệp tuân thủ nhiều thủ tục rườm rà, như thế chấp, hồ sơ, sổ sách báo cáo tài chính, lãi 3 năm liên tiếp… nên khó mà đáp ứng nổi. Ngay cả khi một số ngân hàng đưa ra gói cho vay hỗ trợ, thì vẫn không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ví như Ngân hàng Seabank đã công bố dành khoản tài trợ 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu, với lãi suất cho vay giảm 1,5%/năm so với mức lãi suất hiện tại, điều kiện cho vay cũng đơn giản hơn. Nhưng với yêu cầu có lãi liên tục 3 năm, thì nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng được. Bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước khó khăn từ năm 2009 đến nay, thì bảo đảm có lãi liên tục trong 3 năm là không dễ. Hơn nữa, lãi suất sau khi giảm 1,5%/năm vẫn còn ở mức 16 – 19%/năm, vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tiền tệ Quốc gia Hà Huy Tuấn cho rằng, nền kinh tế của chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng do kinh tế thế giới suy thoái. Theo dự báo, mặt hàng tiêu dùng điện và điện tử sẽ giảm, mặt khác, giá lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đều có thể tăng… Đặc biệt, giá vàng, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục có xu hướng mất giá. Mới đây nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 – 2012 là 4% (thấp hơn so với mức dự báo trước đó). Do đó, nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2012. Trước bối cảnh này, Chính phủ đã giãn một số loại thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng ông Hà Huy Tuấn đề nghị, cần mạnh dạn hơn nữa việc giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp. Bởi hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn cũng sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, doanh nghiệp nào cũng cần được đầu tư, không chỉ với doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, nhiều  ý kiến cho rằng, không nên quá thắt chặt việc cho vay để thuận lợi trong cân đối tăng trưởng tín dụng và tổng lượng thanh toán hợp lý, nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, ngân hàng nâng cao khả năng quản trị, lựa chọn được các doanh nghiệp có khả năng kinh doanh tốt để cho vay. Và có thể thấy, trong năm 2012, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gây ra các tác động tiêu cực. Một trong các tác động rõ nét là nhập khẩu hàng hóa của nhiều nước sụt giảm và kéo theo các tác động đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần sớm chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản thích ứng phù hợp.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân