Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang tăng rõ rệt…

Chỉ số Môi trường Kinh doanh quý 1/2014 lần đầu tiên vượt trên mức trung bình kể từ năm 2012, tăng từ 50 lên 59 điểm. Đây là mức tăng trưởng quan trọng, phần nào khẳng định lòng tin của các doanh nghiệp châu Âu đối với thị trường Việt Nam. 

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham bình luận: “Việc tăng tới 9 điểm dường như cho thấy kết quả này còn nhiều hơn cả sự lạc quan sau Tết, với một niềm tin thực sự trong cải thiện điều kiện kinh doanh và triển vọng mong đợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực của chúng tôi để làm việc với Chính phủ Việt Nam để tạo ra lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tiến độ tích cực này”.

Tuy nhiên, mức gia tăng 9% vượt bậc dường như còn cho thấy sự tác động của các yếu tố khác, ngoài sự lạc quan do Tết, bao gồm sự lo ngại về lạm phát đã giảm, độ tin cậy về triển vọng kinh tế vĩ mô và hy vọng việc hoàn thành một Hiệp định Tự do thương mại (FTA) khả thi và hiệu quả. Gần 1/2 số lượng doanh nghiệp tham gia vào cuộc khảo sát hoạt động trong ngành dịch vụ, 1/4 trong ngành sản xuất, 1/5 trong ngành thương mại và 10% thuộc các ngành khác.

So với kết quả của khảo sát quý trước, số lượng phản hồi cho biết tình hình kinh doanh của họ khả quan tăng từ 38% lên 45%, tăng 7%. Con số này thậm chí lớn hơn con số của thời điểm gần Tết năm ngoái, ở mức 40%. 

Do đó, mức hiện tại cho thấy rõ tình hình kinh doanh đang được cải thiện. 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có lợi nhuận trong năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, một số lượng đáng kể (32%) phản hồi cho biết họ bị suy giảm lợi nhuận trong 12 tháng vừa qua.

Về tương lai, triển vọng kinh doanh, phản hồi của các doanh nghiệp cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể, các phản hồi tích cực tăng lên 49% so với 44% quý trước và tăng mạnh so với 30% năm trước.

Bên cạnh đó, 30% đưa ra triển vọng không tích cực, cao hơn năm ngoái (28%). Điều này minh chứng rõ ràng rằng Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục giải quyết các vấn đề do cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị và đảm bảo Hiệp định Tự do Thương mại châu Âu-Việt Nam khả thi và hiệu quả.

Tiếp tục với xu hướng tích cực về dự đoán các đơn hàng – đạt mức 70% (so với 67% và 61% của 2 quý trước). Trong khi đó, số lượng phản hồi dự đoán đơn hàng giảm duy trì mức khá thấp – 15% so với 14% quý trước. Cùng với sự tiến triển này, kế hoạch đầu tư vẫn duy trì mức tích cực, 78% (quý trước là 81%) số lượng phản hồi cho biết họ tiếp tục tăng vốn đầu tư.

Sự gia tăng tích cực trong đơn hàng được dự đoán và kế hoạch đầu tư tác động tích cực đến kế hoạch tuyển dụng, số lượng phản hồi thể hiện mong đợi tăng nhân lực tuyển dụng tăng nhẹ – 47% quý trước lên 48% quý này. Điều quan trọng nữa là số liệu cho thấy số lượng phản hồi giảm nhân lực duy trì ở mức thấp – 16% so với 15% quý trước.

Các doanh nghiệp phản hồi phần nào tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô với 47% dự đoán tình hình sẽ “ổn định và cải thiện” và 23% lo ngại tiếp tục suy thoái. Trong khi đó, số lượng phản hồi dự đoán tỉ lệ lạm phát có tác động “đáng kể và đe dọa” đến hoạt động của doanh nghiệp duy trì mức hạn chế (29%) so với quý trước (45% năm trước).


Các lĩnh vực mà sự cải thiện có tác động lớn nhất đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, tương ứng với các khảo sát trước, tập trung vào “Pháp luật và hành chính”, ngay tiếp đó là “Cơ sở hạ tầng và giáo dục”. 

Khi doanh nghiệp được hỏi đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của cơ chế chuyển giá lên môi trường kinh doanh tại Việt Nam, 38% cho rằng có tác động tiêu cực, 57% cho rằng tác động không đáng kể hoặc không tác động.

Dù vậy, các doanh nghiệp phản hồi thể hiện rõ niềm tin và hy vọng rằng các thách thức khác nhau về kinh tế và hành chính sẽ được giải quyết một cách tích cực trong thời gian tới. Họ cũng đưa ra một loạt các lý do khác để tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó, hầu hết liên quan đến “quy mô thị trường và cơ hội kinh doanh hiệu quả, chi phí lao động và dân số tương đối trẻ”. 

Ông Csaba Bundik, Giám đốc điều hành EuroCham cho biết: “Chỉ số môi trường kinh doanh vượt trên mức trung bình là một tin tốt. Đây là dấu hiệu phục hồi rõ ràng, cho thấy rằng các doanh nghiệp châu Âu đang lấy lại niềm tin vào thị trường Việt Nam, cùng với một thời điểm rất thuận lợi là gần đến hồi kết của việc ký kết FTA EU-Việt Nam”.


(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)