Doanh nghiệp công nghệ nước ngoài cũng mệt vì hàng nhái
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Khánh Bình, Tổng giám đốc Công ty Schréder Việt Nam thuộc Tập đoàn Schréder của Bỉ – chuyên thiết bị chiếu sáng – cho biết, nhiều thiết bị nhái thương hiệu Schréder đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam gần đây.

Theo ông Bình, các mặt hàng nhái mà công ty phát hiện chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước nhập linh kiện trôi nổi từ Trung Quốc để lắp ráp và dán nhãn thương hiệu Schréder, gây ảnh hưởng tới doanh thu của công ty này.  

“Công tác quản lý thị trường hiện chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp thiếu tự trọng trong kinh doanh và người tiêu dùng chưa có điều kiện phân biệt hàng thật hàng giả, lại chuộng hàng giá rẻ, nên chúng tôi khá đau đầu với tình trạng hàng nhái này”, ông Bình nói thêm.

Đại diện một hãng điện thoại nổi tiếng tham gia triển lãm cũng cho biết, hàng nhái sản phẩm điện thoại của hãng này xuất hiện khá nhiều trên thị trường.

Theo vị đại diện này, điều đáng lo ngại là người tiêu dùng Việt Nam đang chấp nhận sử dụng hàng nhái như một chuyện bình thường. “Khi chúng tôi có sản phẩm mới thì ngay lập tức sẽ có hàng nhái, nhập chủ yếu từ Trung Quốc và bày bán công khai mà ít trường hợp nào bị xử lý”, vị này cho biết thêm.

Tuy lo ngại hàng giả nhưng hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tham gia ba cuộc triển lãm đều đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường các ngành công nghệ trên tại Việt Nam.

Họ cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi, phát triển năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt sau khi tham gia WTO, Việt Nam đã  thu hút mạnh các nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Chuỗi triển lãm quốc tế về công nghệ, bao gồm thiết bị chụp hình và công nghệ hình ảnh (VIPI Show), phát thanh truyền hình và thiết bị nghe nhìn (VIBA Show) và công nghệ chiếu sáng (LED/OLED Show) thu hút hơn 150 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Các sản phẩm được trưng bày tại triển lãm được phân chia theo nhóm, trong đó, nhóm thiết bị chụp hình và công nghệ hình ảnh với các thiết bị máy ảnh, máy quay, phụ kiện máy ảnh, dịch vụ ảnh, chất liệu in ảnh đã thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. 

Chiếm phần lớn diện tích các gian hàng trong nhóm thiết bị này là những thương hiệu nổi tiếng như Canon, Nikon, Sony…

Bên cạnh đó, nhóm công nghệ phát thanh truyền hình, gồm máy ảnh 3D, máy quay phim, băng đĩa, máy chiếu, màn hình, mobile TV  và thiết bị nghe nhìn như tai nghe, ampli, loa, thiết bị nén âm phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

Ngoài ra, các gian hàng triễn lãm nhóm thiết bị chiếu sáng ứng dụng công nghệ LED/OLED dùng trong các hộ gia đình và các dự án nhà ở, công trình hạ tầng đô thị có sự góp mặt của các công ty đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Châu Âu.

Theo ghi nhận, tại các gian hàng triển lãm thiết bị chiếu sáng có sự xuất hiện của một số thương hiệu Việt Nam như Rạng Đông, Điện Quang…

Đại diện công ty Exporum, đơn vị tổ chức chuỗi triển lãm trên cho biết, ngoài các hoạt động triển lãm, các doanh nghiệp công nghệ  đến từ Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã có những buổi nói chuyện, trao đổi thông tin và bàn về cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.