Doanh nghiệp có phải chịu rủi ro từ lỗ hổng pháp luật?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thành lập công ty con là việc bình thường

Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thành lập các công ty con để thực hiện việc phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được Sabeco áp dụng dựa theo mức giá bán cho Công ty Thương mại Sabeco (công ty con 100% vốn). Trong khi đó, Công ty Thương mại Sabeco lại chưa bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà bán tiếp qua các công ty thương mại vùng (Sabeco chi phối từ 90 – 95% vốn) cũng với mức giá khá thấp. Từ đây, các công ty khu vực này mới bán tiếp cho đại lý cấp 1 với giá cao hơn. Đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2, các nhà hàng, người tiêu dùng… Vì vậy, nhà sản xuất có mức giá bán ra thấp, từ đó mức nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng thấp hơn. Lập luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây là mô hình sản xuất khép kín, Sabeco – Tổng công ty mẹ chi phối về vốn, quyết định từ nguyên liệu đầu vào, giá mua, giá bán và quyết định bán cho đại lý cấp 1. Lợi nhuận cuối cùng chuyển ngược về Sabeco. Do đó, Kiểm toán Nhà nước xác định khâu cuối cùng là của các công ty thương mại khu vực nên phải tính thuế TTĐB cả khâu này.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, việc thành lập công ty con, cháu, chắt là chuyện bình thường để tận dụng tiềm năng, cơ hội trên thị trường, đồng thời giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Việc làm này cũng có thể giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế hoặc kẽ hở của chính sách. Đây là việc làm tự nhiên, vì người thông minh thường biết tận dụng chính sách. Cơ quan quản lý nhà nước phải tự biết tìm những công cụ để hạn chế việc tận dụng kẽ hở pháp luật của doanh nghiệp. Bởi thế, vấn đề cần đặt ra ở đây là doanh nghiệp vi phạm điều, khoản luật nào, chứ không phải “lách luật”, vì doanh nghiệp có quyền tuân thủ pháp luật theo hướng có lợi cho mình. Nếu doanh nghiệp, người dân không vi phạm điều, khoản luật nào cũng có nghĩa là không vi phạm pháp luật – Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Phải có cơ chế bảo vệ tài sản

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, sở hữu và quyền sở hữu tài sản phải được minh định, bảo vệ chắc chắn, góp phần bảo đảm sự an toàn của người dân, doanh nghiệp. Vì lý do này, các quy định tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản và tài sản của người dân, doanh nghiệp phải được quy định bởi cơ quan lập pháp để có tính ổn định lâu dài, minh định và có thể bảo vệ những tài sản này. Nhưng dù các loại thuế do QH ấn định, thì việc thi hành lại chịu tác động bởi các thông tư của Bộ Tài chính nên rất khó để bảo vệ được tính chắc chắn, ổn định của hệ thống thuế, cũng như bảo vệ hiệu quả tài sản của người dân. Và thực tế, tổng số thuế phải nộp của người dân và doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào mức thuế, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác do cơ quan hành pháp xác định. Vì thế, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho rằng, cần hạn chế việc ban hành thông tư hướng dẫn cho các loại thuế, mà nên được quy định cụ thể ngay trong luật, nhằm tránh sự giải thích tùy ý, tùy tiện, tác động không tốt đến tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Lỗ hổng pháp luật là tồn tại khách quan

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, không có hệ thống pháp luật nào trên thế giới không có kẽ hở, và kẽ hở có thể tồn tại ở nhiều thông tư khác, không chỉ riêng ở Thông tư 05 của Bộ Tài chính. Kẽ hở luật pháp là tồn tại khách quan và hoàn thiện pháp luật để bịt kẽ hở là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nên không thể để người dân, doanh nghiệp chịu tổn thất, chi phí cho rủi ro này. Không lẽ cứ phát hiện được kẽ hở luật pháp nào lại bắt doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu rủi ro của kẽ hở đó?

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng, nếu để người dân, doanh nghiệp chịu tổn thất này sẽ khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam có mức độ rủi ro cao. Và tính bất định, không tiên lượng được trong áp dụng chính sách, pháp luật là nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam có độ rủi ro cao, người dân không mạnh dạn đầu tư. Thực tế, hiện nhà đầu tư nước ngoài cũng rất băn khoăn khi mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, vì ngại sự can thiệp hành chính của bộ chủ quản cũng như các bộ, ngành liên quan. Tương tự, nếu giải thích pháp luật theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, thì nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ ngại đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, hay kinh doanh lâu dài ở nước ta.

Có thể thấy, tình huống phát sinh sau khi kiểm toán Sabeco là do lỗ hổng của pháp luật, mà tình trạng này ở nước nào cũng có, chỉ khác nhau là có nhiều hay có ít. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm làm thế nào để lỗ hổng này càng nhỏ hơn, ít đi. Mặt khác, doanh nghiệp không thể tự tiện thực hiện kê khai thuế và nộp thuế, mà phải có sự chấp thuận của cơ quan thuế. Nên nếu kết luận Kiểm toán Nhà nước đúng, thì cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế địa phương.

 Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của hàng hóa, dịch vụ là giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế giá trị gia tăng, được xác định cụ thể như sau:

Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:

Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc, thì giá làm căn cứ xác định tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Cơ sở sản xuất bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định và chỉ hưởng hoa hồng thì giá làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) do cơ sở sản xuất quy định chưa trừ hoa hồng.

Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại đó bán ra. Riêng mặt hàng xe ô tô, giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ô tô theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được nhà sản xuất công bố đối với từng loại xe chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(Điều 5, Thông tư 05 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 26 và Nghị định số 113 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt)

Lê Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân