Doanh nghiệp dệt may: Khó cả đơn hàng lẫn nhân công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Dù có được ưu thế của doanh nghiệp lớn, nhiều khách quen, nhưng cho đến nay Việt Tiến cũng mới chỉ kín đơn hàng quý 1, vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động để nhận thêm đơn hàng cho quý 2”, ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc tổng công ty may Việt Tiến cho biết. Điều này khác hẳn năm ngoái ngay từ đầu năm Việt Tiến đã kín đơn hàng đến gần hết năm.

Khó làm hơn nhưng giá không tăng

“Đơn hàng bị giảm, khách hàng khó tính hơn khi đòi gia tăng các chi tiết thiết kế phức tạp, mà nhất định không chịu tăng giá”, ông Kiệt nói. Hiện nay, cũng rất khó để tìm được các đơn hàng có số lượng từ vài trăm ngàn đến cả triệu sản phẩm, mà đa phần chỉ trong khoảng vài chục ngàn. Điều này tác động rất lớn đến sản xuất, buộc các công ty may phải tốn thời gian và chuẩn bị nhiều hơn từ khâu nguyên vật liệu đến cắt may… Sản lượng nhỏ thì dây chuyền may hiện đại đến mấy cũng khó tăng năng suất cao…

Ngay trong tháng 1.2012, một doanh nghiệp may xuất khẩu tại Bình Dương cho biết, đã phải cắn răng nhận hợp đồng, khi khách hàng quen trả giá từng li từng tí. Một chiếc áo công ty chấp nhận không tăng giá dù nhiều chi phí khác đã tăng, nhưng khách tìm cách giảm vài cent ở phần may, vài cent phần nguyên liệu… Giá cuối cùng giảm từ 12 USD còn 11,2 USD/chiếc.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 1.2012 chỉ đạt trên 1 tỉ đôla Mỹ, giảm 12,2% so cùng kỳ năm ngoái, theo tổng cục Hải quan. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 559 triệu USD, giảm 12,3%, Liên minh châu Âu đạt 186 triệu USD, giảm 21,2% và Nhật Bản đạt 124 triệu USD, giảm 7,7%.

Hàn Quốc đang là thị trường mới được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc năm nay dự kiến sẽ vượt ngưỡng 1 tỉ USD, đưa nước này trở thành thị trường trọng điểm lớn thứ tư của dệt may Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản. Bởi năm 2011, Việt Nam đã xuất sang Hàn Quốc trên 904 triệu USD, tăng 145% so với năm 2010, và xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc còn nhiều cơ hội tăng trưởng, với nhu cầu của người tiêu dùng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên tại Hàn Quốc đang ngày càng đa dạng hơn.

Đơn hàng bị giảm còn khiến các doanh nghiệp mất luôn các kế hoạch dự phòng. Nên ngay cả những doanh nghiệp đã kín đơn hàng cho quý 1, vẫn lo lỡ khách điều chỉnh kế hoạch, không có đơn hàng khác bù vào, dây chuyền bị trống. Theo nhiều doanh nghiệp thì tình trạng khách hàng điều chỉnh đơn hàng giờ chót khá phổ biến từ quý 2 năm ngoái đến nay.

Giành giựt nhân công

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas cho biết thêm, tình trạng thiếu hụt lao động đầu năm đến giữa tháng 2 đã được giải quyết tạm ổn, nhưng lại gặp phải cạnh tranh không lành mạnh về lao động. Như cách hút công nhân bằng cách treo bảng mức lương thật cao, nhưng khi người lao động đi làm thì tìm cách trừ bớt: nghỉ 1 ngày phạt 200.000 – 300.000 đồng, làm sai phạt, ép năng suất không đạt cũng phạt… Đây chỉ là cách nhằm giải quyết lao động ngắn hạn. Còn về lâu dài, ông Hồng nói: “Trả lương công nhân may trên 6 triệu đồng/tháng là phiêu lưu so với mức giá hàng xuất khẩu hiện nay, mức chi trả mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể “chịu được” chỉ ở khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/tháng”.

Theo Vitas, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thể trả mức bình quân đến 6 triệu đồng/tháng, nhưng trong đó bao gồm cả lương tháng thứ 13, các khoản thưởng tết, phụ cấp…

Đại diện hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, trước mắt, mục tiêu của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM là nỗ lực không để thiếu việc làm, giữ thu nhập ổn định cho người lao động, còn cải thiện – tăng lương thì được đến đâu tuỳ vào tình hình thực tế.

Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị