Doanh nghiệp “đòi” hủy “giấy phép con” của Tổng cục Thủy sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công văn đặt thêm 3 thủ tục

Theo đơn khiến nghị, đối với DN sản xuất thức ăn cho động vật trên cạn, thị trường hiện có khoảng 350 DN, mỗi DN có từ 30 – 40 loại thức ăn và thức ăn bổ sung, nay nếu tất cả các loại sản phẩm này đều phải làm lại hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký lại theo Thông tư 66 thì chi phí và thời gian là rất lớn. Mặc khác, giữa tháng 6/2012, sau khi Thông tư 66 có hiệu lực 7 tháng,   thì Cục Chăn nuôi mới tổ chức hội nghị với các DN để hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký sản phẩm theo quy định mới.

Các DN sản xuất, cung ứng thức ăn, chất bổ sung thức ăn thủy sản còn gặp khó khăn hơn khi Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 707 về hướng dẫn tạm thời thủ tục đăng ký  thức ăn thủy sản vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Công văn 707 quy định thêm 3 thủ tục mới mà DN muốn thực hiện cũng rất khó. Cụ thể: 1 – Sản phẩm phải có phiếu kết qủa kiểm nghiệm, phân tích mẫu các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Việc lấy mẫu và gửi mẫu phân tích phải do cơ quan kiểm tra, chứng nhận nhà nước về chất lượng hàng hóa thủy sản thực hiện. 2 – Báo cáo kết qủa khảo nghiệm nếu sản phẩm chưa có quy chuẩn hoặc bổ sung thêm hoạt chất. 3 – Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất đối với cơ sở sản xuất, biên bản kiểm tra điều kiện bảo quản đối với cơ sở nhập khẩu.

Các DN cho rằng, công văn hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật không được phép quy định thêm thủ tục mới so với những thủ tục theo luật định, tuy nhiên Công văn 707 so với Thông tư 66 đã đã tăng thêm 3 quy định. Những quy định thêm này, theo  các DN, vừa thiếu khoa học và thực tiễn, vừa gây khó cho DN trong khâu thực hiện.

Ông Võ Hữu Trí, đại diện Công ty TNHH Quốc tế GALA (quận 9, TP.HCM) bức xúc: Vì sao thức ăn cho động vật trên cạn không quy định mà thức ăn dùng cho thủy sản lại phải thực hiện? Việc này tại sao lại phải do cơ quan nhà nước về chất lượng  hàng hóa thủy sản thực hiện mà không quy định là kết qủa phân tích phải do những phòng kiểm nghiệm được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện?

“Hành là chính”

Công văn 707 còn nêu:“Nếu thức ăn, chất bổ sung thức ăn chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì DN phải có báo cáo kết qủa kiểm nghiệm”. Về điều này, ông Nguyễn Văn Minh, Công ty Dược Thú y Cai Lậy (Tiền Giang) cho rằng, việc ban hành quy chuẩn là thẩm quyền của Bộ NN&PTNT nhưng đến nay bộ này chưa ban hành quy chuẩn nào cho thức ăn và thức ăn bổ sung cho thủy sản. Có nghĩa 100% sản phẩm loại này phải có báo cáo kết qủa khảo nghiệm. Tuy nhiên, để khảo nghiệm 1 loại thức ăn phải thực hiện ít nhất tại 3 nơi và mất ít nhất 1 vụ nuôi.

“Tất cả DN đều thấy rằng, quy định này đối với thức ăn và chất bổ sung thức ăn đã được phép lưu hành trước ngày ban hành Thông tư 66 là không cần thiết và cũng không thể thực hiện được, ít nhất trong khoảng thời gian vài năm tới” – vị này bức xúc.

Đối với yêu cầu “Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất đối với cơ sở sản xuất, biên bản kiểm tra điều kiện bảo quản đối với cơ sở nhập khẩu” – các DN cho rằng, thông thường một cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đồng thời là sản xuất cho động vật trên cạn và thuốc thú y, nhiều cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất, triển khai chương trình quản lý chất lượng và được công nhận GMP, nay Tổng cục Thủy sản yêu cầu phải có biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất là không cần thiết. Ngoài ra, Trung tâm kiểm nghiệm, khảo nghiệm và thử nghiệm thuộc Tổng cục Thủy sản chỉ có vài chục cán bộ ở Hà Nội thì biết đến bao giờ DN phía Nam mới được kiểm tra để hoàn thành thủ tục này?

Các DN kiến nghị Bộ NN&PTNT hủy bỏ Công văn số 707 ngày 26/5/2011 của Tổng cục Thủy sản để thực hiện theo Thông tư số 66, đồng thời cho phép lùi thời gian thực hiện thông tư này đến ngày 1/6/2013. Đề nghị Tổng cục Thủy sản hướng dẫn công khai, minh bạch thủ tục tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp giấy lưu hành thức ăn cho thủy sản, bố trí nhân lực hướng dẫn cho DN triển khai và công khai danh tính của những người có trách nhiệm hướng dẫn thi hành nhằm giúp DN đỡ vất vả hơn.

Tại phía Nam hiện tại có 200-300 cơ sở sản xuất thức ăn cho động vật trên cạn và thủy sản, mỗi cơ sở đăng ký khoảng 20- 30 sản phẩm.

Chi phí kiểm nghiệm cho 1 chỉ tiêu (1 hoạt chất) từ 400.000-500.000 đồng, tổng chi phí kiểm nghiệm cho 1 sản phẩm dạng này phải mất từ 8-10 triệu đồng.

(Nguồn: Hội Nghề cá Việt Nam)

Mị Na
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam